Tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ Halal giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường tiềm năng

Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Năm 14, 2025 | 13:51 - Lượt xem: 124

Việc nắm bắt được các tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm và dịch vụ Halal là yêu cầu cần thiết giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường tỷ đô này.

Quy mô thị trường sản phẩm và dịch vụ Halal toàn cầu được dự báo đạt hơn 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Ảnh minh họa.

Với quy mô thị trường sản phẩm và dịch vụ Halal toàn cầu được dự báo đạt hơn 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Halal được xem là mảnh đất đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Việc nắm bắt được các tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm và dịch vụ Halal là yêu cầu cần thiết giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường này.

Theo Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (QUATEST 2), một số tiêu chuẩn Việt Nam về sản phẩm và dịch vụ Halal hiện nay có thể kể đến là: TCVN 12944:2020 Thực phẩm Halal – Yêu cầu chung; TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi Halal; TCVN13710:2023 Thực phẩm Halal– Yêu cầu đối với giết mổ động vật; TCVN 14230: 2024 Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo – Các yêu cầu.

Bà Ngô Thị Như Loan – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (QUATEST 2) nhận định, thị trường sản phẩm và dịch vụ Halal toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ với quy mô lớn. Thị trường Halal bao gồm nhiều lĩnh vực: thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, tài chính, du lịch và thời trang;…

Trước nhu cầu sử dụng, xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng gia tăng, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định sản phẩm, dịch vụ Halal đang là xu hướng phát triển chung và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.

Vào ngày 07/01/2025, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn về việc “Đồng ý đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc xây dựng dự thảo Nghị định quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ Halal”.

Trong đó, Dự thảo Nghị định quản lý sản phẩm, dịch vụ halal gồm 25 điều, quy định: Yêu cầu chung đối với sản phẩm, dịch vụ Halal; Dấu chứng nhận sản phẩm, dịch vụ Halal; Hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, dịch vụ Halal; Kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu của sản phẩm, dịch vụ Halal; Hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm Halal.

Thanh Tùng