Tiêu chuẩn quốc tế ISO 37001 về Hệ thống quản lý chống hối lộ
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 14, 2019 | 20:08 - Lượt xem: 1659
ISO 37001 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chống hối lộ đầu tiên được được xây dựng để giúp các tổ chức giảm thiểu các rủi ro từ hối lộ trong các hoạt động và các chuỗi giá trị toàn cầu của tổ chức.
Tháng 6/2016 Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế ISO đã ban hành Tiêu chuẩn quốc tế ISO 37001:2016 Hệ thống quản lý chống hối lộ – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng. Tiêu chuẩn ISO 37001:2016 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn ISO/TC 309 Điều hành tổ chức xây dựng với sự tham gia 72 quốc gia thành viên (52 thành viên chính thức và 20 thành viên quan sát) với hơn 120 chuyên gia cùng với đại diện của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) và Phòng Thương mại Quốc tế. Điều này cho thấy sự đồng thuận mang tính toàn cầu trong hoạt động phòng, chống hối lộ trong vấn đề cần xây dựng một hệ thống quản lý chống hối lộ để làm cơ sở cho các tổ chức, doanh nghiệp triển khai áp dụng trên phạm vi trên toàn thế giới.
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu và đưa ra hướng dẫn cho việc thiết lập, áp dụng, duy trì, xem xét và cải tiến hệ thống quản lý chống hối lộ. ISO 37001:2016 được thiết kế để giúp các tổ chức triển khai hệ thống quản lý chống hối lộ hoặc tăng cường các biện pháp kiểm soát chống hối lộ của tổ chức. Điều này đòi hỏi tổ chức phải thực hiện một loạt các biện pháp như áp dụng chính sách chống hối lộ, chỉ định người giám sát việc tuân thủ chính sách đó, kiểm tra và đào tạo nhân viên, thực hiện đánh giá rủi ro đối với các dự án và đối tác kinh doanh, thực hiện kiểm soát tài chính và thương mại, lập báo cáo và các thủ tục điều tra.
Hệ thống quản lý chống hối lộ giúp các tổ chức xác định rõ trách nhiệm, chủ động tham gia vào đấu tranh chống hối lộ thông qua cam kết của lãnh đạo cao nhất về việc thiết lập văn hóa liêm chính, minh bạch, công khai và tuân thủ. Xây dựng nền văn hóa chống hối lộ của tổ chức là rất quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của hệ thống quản lý chống hối lộ. Một tổ chức được quản lý tốt luôn thiết lập chính sách tuân thủ nhằm cam kết và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý và trách nhiệm của tổ chức đối với cộng đồng và xã hội. Chính sách chống hối lộ là một phần trong chính sách tuân thủ chung của tổ chức. Chính sách chống hối lộ và hệ thống quản lý hỗ trợ tổ chức tránh và giảm bớt chi phí, rủi ro và thiệt hại từ hậu quả của việc hối lộ, thúc đẩy sự tin tưởng và lòng tin vào giao dịch kinh doanh và nâng cao uy tín của tổ chức.
Tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho việc chống hối lộ và không đề cập cụ thể đến gian lận, độc quyền và chống độc quyền, cạnh tranh khác, rửa tiền hoặc các hoạt động khác liên quan đến tham nhũng (như: tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi), mặc dù tổ chức có thể lựa chọn mở rộng phạm vi của hệ thống quản lý bao gồm cả những hoạt động này.
Cho dù hệ thống quản lý của tổ chức được xác định là phù hợp với tiêu chuẩn này nhưng không thể đảm bảo loại bỏ được hoàn toàn các rủi ro về hối lộ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này có thể giúp tổ chức áp dụng các biện pháp hợp lý và hiệu quả nhằm ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với việc hối lộ.
Năm 2018 tiêu chuẩn quốc tế ISO 37001:2016 được Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận thành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 37001:2018 với những yêu cầu hoàn toàn tương đương.
ISO 37001:2016 có thể tích hợp với các hệ thống quản lý khác
Tổ chức ISO xây dựng nhiều tiêu chuẩn về hệ thống quản lý, mỗi nhóm tiêu chuẩn tập trung vào các vấn đề khác nhau ảnh hưởng đến một hay một vài lĩnh vực cụ thể mang tính toàn cầu như: chất lượng, môi trường, năng lượng, an toàn và an ninh, công nghệ thông tin, an toàn thực phẩm, dịch vụ, công nghệ, trách nhiệm xã hội, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, y tế, giáo dục … Các tiêu chuẩn hệ thống quản lý cơ bản có cùng cấu trúc và sử dụng nhiều thuật ngữ và định nghĩa giống nhau. Điều này đặc biệt hữu ích cho các tổ chức, doanh nghiệp có thể đáp ứng đồng thời các yêu cầu của hai hoặc nhiều tiêu chuẩn hệ thống quản lý, hay nói cách khác là “tích hợp các hệ thống”. Tiêu chuẩn ISO 37001:2016 là một tiêu chuẩn nằm trong bộ tiêu chuẩn ISO về hệ thống quản lý, mà phần lớn các tiêu chuẩn này có cùng một cấu trúc. Do vậy tiêu chuẩn này có thể được sử dụng kết hợp với các tiêu chuẩn khác về hệ thống quản lý, như: ISO 9001 hệ thống quản lý chất lượng, ISO 26000 trách nhiệm xã hội, ISO 31000 hệ thống quản lý rủi ro, ISO 45001 hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, ISO 19600 hệ thống quản lý sự tuân thủ … Tổ chức triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chống hối lộ được thực hiện theo Chu trình 4 bước “Hoạch định – Thực hiện – Kiểm tra – Hành động” (Chu trình PDCA) phổ biến hiện nay của các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý, giúp tổ chức duy trì một cách hiệu lực và hiệu quả hệ thống quản lý này: Lập kế hoạch (Plan): Xác định các nghĩa vụ chống hối lộ và đánh giá rủi ro tuân thủ để xây dựng chiến lược, bao gồm các biện pháp giải quyết các vấn đề có thể phát sinh; Thực hiện (Do): Thực hiện các biện pháp và thiết lập cơ chế để giám sát tính hiệu quả; Kiểm tra (Check): Tiến hành rà soát chương trình quản lý chống hối lộ trên cơ sở các điều khoản được thực hiện; Hành động (Act): Xem xét và cải tiến chương trình liên tục, đảm bảo các trường hợp không tuân thủ được theo dõi và kiểm tra. |
Phùng Mạnh Trường