Tiêu chuẩn quốc gia về bánh Trung thu: Chất lượng quy về một chuẩn!

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Chín 18, 2020 | 16:03 - Lượt xem: 4858

Bộ KH&CN vừa công bố tiêu chuẩn quốc gia dành cho bánh trung thu, bao gồm bánh nướng, bánh dẻo. Các tiêu chuẩn này sẽ giúp doanh nghiệp áp “chuẩn” trong sản xuất cũng như công bố chất lượng sản phẩm.

Để thông tin rõ hơn về các tiêu chuẩn này, TS. Ngô Thị Ngọc Hà – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chất lượng Việt Nam xung quanh các nội dung này.

Thưa bà, Bộ KH&CN mới đây đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia về bánh nướng, bánh dẻo. Các tiêu chuẩn này nhấn mạnh về các chỉ tiêu chất lượng nào mà các nhà sản xuất bánh Trung thu cần tuân thủ?

Theo quyết định số 2169/QĐ-BKHCN ngày 7/8/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 12940:2020 Bánh nướng và TCVN 12941:2020 Bánh dẻo do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F18 Đường, mật ong và sản phẩm tinh bột biên soạn.

Thông qua việc tổng hợp các tài liệu, thông tin truyền thông cũng như tham khảo ý kiến chuyên gia, quá trình khảo sát sản phẩm thông qua thử nghiệm được Ban kỹ thuật TCVN/TC/F18 định hướng vào các chỉ tiêu cảm quan, độ ẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng (chất béo, đường), tro không tan trong axit, trị số peroxit, một số độc tố vi nấm và vi sinh vật. Về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, các vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là các mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này. Các nguyên liệu chế biến bánh theo Luật an toàn thực phẩm đều phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng.

“Với bộ tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp sẽ tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mình công bố. Tuy nhiên, sự ra đời của bộ tiêu chuẩn mới dành cho bánh nướng và bánh dẻo cũng sẽ giúp cơ quan quản lý có cơ sở để kiểm tra, quản lý hoạt động sản xuất bánh trung thu dễ dàng hơn, và để đạt đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự an toàn của người tiêu dùng”, TS. Ngô Thị Ngọc Hà nhận định

 

Tiêu chuẩn về bánh Trung thu sẽ áp dụng cho các đối tượng nào, thưa bà?

Các bên liên quan đến sản phẩm này bao gồm các cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước (ngành Công Thương, theo phân cấp về quản lý an toàn thực phẩm trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm); các đơn vị thử nghiệm và đặc biệt là đối tượng người tiêu dùng sản phẩm.

Các tiêu chuẩn này sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất có căn cứ để công bố sản phẩm theo quy định nêu trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm; giúp cơ quan quản lý có căn cứ để kiểm soát sản phẩm và giúp cho người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng thích hợp. Thông qua đó, sẽ đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi của nhà sản xuất chân chính.

Trước khi có Tiêu chuẩn quốc gia, bánh Trung thu được quản lý chất lượng theo các quy định nào?

Sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo sử dụng các nguồn nguyên liệu đa dạng từ động vật và thực vật. Trước đây, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể áp dụng cho sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, nên việc quản lý chất lượng được vận dụng từ các văn bản của các Bộ chuyên ngành. Hiện nay, tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho hoạt động quản lý sản phẩm này.

Trong thực tế, việc chưa có tiêu chuẩn quốc gia “làm chuẩn” nên các doanh nghiệp sản xuất bánh nướng, bánh dẻo cũng có sự khó khăn cũng như chưa có sự thống nhất trong việc công bố sản phẩm: từ chỉ tiêu chất lượng cho đến các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, từ số lượng chỉ tiêu đến mức giới hạn của từng chỉ tiêu. Ví dụ, đối với độc tố vi nấm, có doanh nghiệp công bố hai chỉ tiêu, có doanh nghiệp công bố năm chỉ tiêu; đối với vi sinh vật, các doanh nghiệp vận dụng các văn bản khác nhau của Bộ Y tế, nhiều nơi công bố bảy chỉ tiêu nhưng có nơi công bố ba chỉ tiêu vi sinh.

Hiện nay trên thị trường online bán rất nhiều loại bánh Trung thu không nhãn mác, không công bố chất lượng (hàng nhập lậu từ nước ngoài, hàng sản xuất bởi các hộ gia đình nhỏ lẻ) bà có khuyến cáo gì với người tiêu dùng về các sản phẩm này?

Hãy là người tiêu dùng thông minh, bảo vệ chính mình và gia đình mình.

Thông thường, người tiêu dùng khi mua sản phẩm bánh thường quan tâm nhất đến chỉ tiêu cảm quan của sản phẩm. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi được sử dụng sản phẩm có chất lượng và an toàn thực phẩm, nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng được đảm bảo thể hiện qua việc có thương hiệu, thời hạn sử dụng, chỉ tiêu dinh dưỡng, chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm ghi trên nhãn theo quy định, … Điều kiện bảo quản, bày bán sản phẩm cũng rất quan trọng, sản phẩm xuất xưởng có chất lượng tốt nhưng bày bán trên các hè phố nóng và bụi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bánh và không ai có thể đảm bảo về an toàn thực phẩm trong trường hợp này. Đối với bánh mua bán trực tuyến, người mua càng cần phải cân nhắc lựa chọn.

Ngày 7/8/2020, Bộ KH&CN đã công bố 2 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về bánh trung thu nướng và bánh dẻo.

Theo kế hoạch, Bộ KH&CN sẽ nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia nào để phục vụ quản lý cũng như bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực thực phẩm, thưa bà?

Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo cho cơ thể hoạt động và làm việc hiệu quả. Song, đó cũng là nguồn gây bệnh tiềm ẩn khi thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Thực phẩm sẽ phát huy được công dụng của nó khi được đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc, vệ sinh trong quá trình sản xuất, chế biến. Vì vậy sức khỏe con người phụ thuộc rất nhiều vào loại thực phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày.

Chính vì vậy, Bộ KH&CN cũng rất quan tâm đến việc công bố các tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến lĩnh vực thực phẩm, hiện nay có khoảng trên 500 TCVN hiện hành trong lĩnh vực này. Đây cũng là lĩnh vực được Bộ Y tế, Bộ Công thương rất quan tâm, và quản lý bằng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Xin cảm ơn bà!

Thanh Uyên