Tiêu chuẩn quản lý đổi mới sáng tạo cho Doanh nghiệp

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Mười 14, 2022 | 12:37 - Lượt xem: 743

Đó là tiêu đề của khóa đào tạo được Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) tổ chức từ ngày 11 – 14 tháng 10 năm 2022 theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 39 đại biểu từ 16 nước/nền kinh tế thành viên.

Khóa đào tạo tổ chức với mục tiêu giới thiệu về quản lý đổi mới, các nguyên tắc và khái niệm cùng với các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn ISO 56000, hỗ trợ các quốc gia thành viên APO trong việc xây dựng và phát triển khả năng đổi mới của họ theo chuẩn mực chung được thừa nhận quốc tế.

Tiến sĩ Hà Minh Hiệp Phó Tổng cục trưởng, Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Trong những năm gần đây các yếu tố thúc đẩy năng suất và khả năng cạnh tranh cũng như rủi ro từ các yếu tố xã hội như dịch bệnh, thay đổi thị trường, yếu tố về đầu vào thay đổi như giá năng lượng… đã ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Với việc nhanh chóng rút ngắn chu kỳ sống của sản phẩm, chủ động khuyến khích đổi mới sáng tạo trở thành những yêu cầu không thể thiếu để nâng cao năng suất bền vững. Đối với các doanh nghiệp, đổi mới có thể liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, quy trình, công cụ và công nghệ, phương pháp quản lý hoặc thay đổi cả mô hình kinh doanh.

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 cung cấp các định nghĩa, tài liệu tham khảo và cơ sở liên quan đến quản lý đổi mới sáng tạo. Bộ tiêu chuẩn xác định các tham chiếu cụ thể và cung cấp hướng dẫn cho quản lý đổi mới bất kể loại hình hoặc quy mô của tổ chức. Điều này sẽ đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm bí quyết, phương pháp luận và nguồn lực cho các hoạt động đổi mới.

Theo đuổi sự đổi mới có thể sẽ là thách thức nếu không có sự hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng. Nhằm hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy đổi mới một cách có hệ thống, từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan đến quản lý đổi mới như thuật ngữ, công cụ và phương pháp. Các tiêu chuẩn này được bao gồm trong bộ tiêu chuẩn ISO 56000, cung cấp cơ sở từ vựng, các khái niệm cơ bản, các nguyên tắc quản lý đổi mới, và cách tiếp cận để thực hiện quản lý đổi mới một cách có hệ thống. Bộ tiêu chuẩn này có thể được áp dụng cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Tùng Lâm, Phụ trách viện Năng suất Việt Nam nhấn mạnh: ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 tại Việt Nam, trong đó một trong những giải pháp quan trọng là hoạt động thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo cũng là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính trong các chương trình APO trong những năm gần đây.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phụ trách Viện Năng suất Việt Nam phát biểu khai mạc

Các diễn giả tham gia trình bày là các chuyên gia về đổi mới sáng tạo bao gồm: Tiến sĩ Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng, Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Fakhruddin Saifuddin Kagazwala – Tư vấn cấp cao Quản lý Đổi mới Sáng tạo Innovexsol Karachi, Pakistan; Tiến sĩ Nomita Sharma Phó Giáo sư Khoa Nghiên cứu Quản lý Keshav Mahavidyalaya, Đại học Tổng hợp Delhi, Ấn Độ.

TS Hà Minh Hiệp, Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Giám đốc APO tại Việt Nam trình bày tại khóa đào tạo của APO

Các đại biểu cũng được nghe chia sẻ kinh nghiệm và những kết quả đáng khích lệ của hoạt động đổi mới sáng tạo tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông

ISO 56000 là bộ tiêu chuẩn quốc tế về Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 tập hợp các quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ chung cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, ngành nghề hoặc quy mô, để thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới.

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 đưa ra hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới, như đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và phương pháp từ cải tiến nhỏ đến đổi mới triệt để, cũng như tất cả các phương pháp tiếp cận, như đổi mới nội bộ và đổi mới mở cho người dùng, thị trường, công nghệ, các hoạt động đổi mới dựa trên thiết kế, quản lý quan hệ đối tác trong đổi mới…  ISO 56000 cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau, như bộ tiêu chuẩn ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường, vv

Vì sao doanh nghiệp nên quan tâm đến ISO 56000?

ISO 56000 giúp lãnh đạo các doanh nghiệp suy nghĩ nhiều hơn về quản lý đổi mới như cách họ quản lý sở hữu trí tuệ, cách họ duy trì kiến thức và sự hiểu biết, và cách họ quản lý các ý tưởng. Điều này không chỉ tốt cho doanh nghiệp, mà còn đối với toàn bộ hệ sinh thái quản lý đổi mới.

Với ISO 56000, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đã có quy mô và các tập đoàn đa quốc gia sẽ:

  • Suy nghĩ lại về cách họ quản lý mối quan hệ với các đối tác đổi mới;
  • Quản lý các phương pháp họ sử dụng để đạt được thành công trong đổi mới;
  • Tìm hiểu cách thức đào tạo về quản lý đổi mới và khám phá lý do tại sao cần thực hiện các hoạt động đánh giá quản lý đổi mới.

Các yếu tố chính của hệ thống quản lý đổi mới

– Bối cảnh: Theo dõi các vấn đề bên ngoài và bên trong như các yêu cầu của khách hàng, công nghệ phát triển.. để xác định các cơ hội và thách thức để kích hoạt đổi mới.

– Lãnh đạo: Lãnh đạo cao nhất thể hiện khả năng lãnh đạo và cam kết bằng thiết lập tầm nhìn, chiến lược và chính sách đổi mới, bao gồm cả việc xác định vai trò và trách nhiệm.

– Lập kế hoạch: Mục tiêu đổi mới, cơ cấu tổ chức và danh mục đổi mới cần xây dựng dựa trên sự chỉ đạo của lãnh đạo cao nhất.

– Hỗ trợ: Cần hỗ trợ cần thiết cho các hoạt động đổi mới, như: con người, tài chính và các nguồn lực, công cụ và phương pháp khác, giao tiếp và nhận thức nâng cao hoạt động, phương thức quản lý tài sản trí tuệ ..

– Hoạt động: Các dự án, sáng kiến cải tiến cần được thiết lập phù hợp với chiến lược và mục tiêu.

– Đánh giá: Hiệu suất của Hệ thống quản lý đổi mới phải được thường xuyên được đánh giá để xác định những kết quả đạt được và những điểm cần cải tiến.

– Cải tiến: Dựa trên đánh giá, hệ thống cần được cải thiện bằng cách giải quyết những lỗ hổng quan trọng nhất liên quan đến hiểu biết về bối cảnh, khả năng lãnh đạo, lập kế hoạch, hỗ trợ và hoạt động.

Các đại biểu tham dự khóa đào tạo của APO

VNPI