Tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp và nông dân khởi động kinh doanh sau cách ly Covid-19

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Sáu 10, 2020 | 9:13 - Lượt xem: 1183

 Nhận định quá trình hợp tác dự án “Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Hội DN.HVNCLC, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá cao về ý tưởng xây dựng bộ tiêu chuẩn khi hướng đến người Việt Nam của Hội DN.HVNCLC.

Đánh dấu 2 năm triển khai phê duyệt đề án “Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập”, tuy chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (DN.HVNCLC) và các chuyên gia đạt được những kết quả nhất định.

Các doanh nghiệp được trao tặng chứng nhận Hàng Việt Nam Chất lượng cao.

Đánh giá lại quá trình triển khai, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhận định ý nghĩa của việc tổ chức Chuẩn hội nhập quốc tế. Ý nghĩa đầu tiên, Hội DN.HVNCLC đã có cách tiếp cận toàn diện hơn, khi đưa ra được tiêu chuẩn cả đầu ra và đầu vào. Trước đây, khi bầu chọn danh sách Hàng Việt Nam Chất lượng cao chúng ta thường dựa trên đánh giá của người tiêu dùng, tức là dựa trên đầu ra và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Tuy nhiên sự lựa chọn của người tiêu dùng thường mang tính chủ quan nhất định và chưa có sự đánh giá tương thích, cũng như những người tiêu dùng không thể trực tiếp đánh giá được yếu tố khoa học, kỹ thuật. Chính vì lý do đó, khi bộ tiêu chí Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập ra đời nó đã bổ sung và tạo ra gắn kết về tiêu chuẩn, làm hài hòa hơn cho những doanh nghiệp được chứng nhận là Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập quốc tế, ở đây bao gồm cả yếu tố đầu vào từ quy trình sản xuất và đầu ra. Với hai yếu tố trên kết hợp với nhau chắc chắn rằng những doanh nghiệp được chứng nhận tiêu chuẩn HVNCLC – Chuẩn hội nhập quốc tế sẽ đáp ứng được người tiêu dùng và thị trường quốc tế.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại hội nghị

Ý nghĩa thứ 2, việc tổ chức Chuẩn hội nhập chính là chúng ta đã đưa ra cách làm mà kết hợp các yếu tố đánh giá chủ quan và yếu tố đánh giá khách quan dựa trên các tiêu chuẩn, dựa trên phòng kỹ thuật. Khi tuân thủ theo các tiêu chuẩn và giai đoạn ngặt nghèo về sản xuất với bộ tiêu chí Localg.a.p, các doanh nghiệp sẽ chuyển từ cách thức chuyển hóa sản xuất truyền thống sang một cách thức mới nâng cao đáp ứng yêu cầu và niềm tin của người tiêu dùng.

Ý nghĩa thứ 3, sự phản hồi rất nhanh, chủ động và sớm của Hội DN. HVNCLC khi xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cao, nâng tầm cho doanh nghiệp Việt Nam sẵn sang hướng đến các thị trường Châu Âu.

“Chúng tôi luôn luôn đồng hành cùng Hội DN. HVNCLC và luôn tìm mọi phương án hỗ trợ, giới thiệu các chuyên gia, đây là điều rất mới giữa cơ quan nhà nước với các hiệp hội vì nó rất sát với các doanh nghiệp, so với trước đây giữa quản lý nhà nước với người nông dân có khoảng cách khá lớn, nhưng với vai trò trung gian của Hội DN.HVNCLC khoảng cách đó được giảm đi rất là nhiều. Chúng tôi đánh giá rất cao cách làm của Hội DN.HVNCLC và rất vui mừng với ý tưởng xây dựng bộ tiêu chuẩn khi hướng đến người Việt Nam được hưởng sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” Thứ trưởng nhận định.

HVNCLC – Chuẩn hội nhập là một dự án nhằm tạo sức mạnh cho các doanh nghiệp địa phương hội nhập bền vững vào thị trường toàn cầu bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế, sau đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thương mại và hợp tác quốc tế.

Năm 2018 – 2019, Hội DN.HVNCLC đã cử chuyên gia đến tận nơi tư vấn, đào tạo, hướng dẫn 10 doanh nghiệp xây dựng và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Bộ tiêu chí “HVNCLC – Chuẩn hội nhập” ngành thực phẩm. Cũng trong giai đoạn này, Hội DN.HVNCLC đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, thảo luận với các Hiệp hội và chuyên gia các nhóm ngành phi thực phẩm như Cao su – Nhựa, Hóa mỹ phẩm, Dệt may – Da giày, Kim khí, Gỗ… về tiêu chuẩn.

Hội cũng đã tổ chức các buổi hội thảo về tiêu chuẩn với các chuyên gia của Bureau Veritas, cùng Bộ KH&CN triển khai xây dựng và ban hành Bộ Tiêu chí cho các nhóm ngành phi thực phẩm, thành lập Hội đồng chuyên gia trực tiếp xem xét và đánh giá hồ sơ cho các DN.HVNCLC – Chuẩn hội nhập ngành phi thực phẩm, bao gồm các chuyên gia từ Bộ KH&CN, Quacert, Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP. HCM và các chuyên gia ở các nhóm ngành.

Hà My