Tiêu chuẩn là ‘chìa khóa’ phát triển đối với nông nghiệp hữu cơ

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Chín 6, 2019 | 16:56 - Lượt xem: 1461

Tiêu chuẩn là yếu tố then chốt giúp nông nghiệp hữu cơ phát triển. Bởi vậy, cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc cung cấp thông tin, hệ thống cấp, quản lý chứng nhận; hỗ trợ nông dân sản xuất và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn…

Sáng ngày 5/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo Đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, qua khảo sát nông nghiệp hữu cơ đã có trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp. Việt Nam có lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên tùy thuộc vào lợi thế mỗi vùng, miền.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam. 

Để có định hướng, mục tiêu phát triển sản xuất hữu cơ, thương mại sản phẩm cũng như các giải pháp, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030”. Mục tiêu của dự thảo đề án là đến năm 2030 Việt Nam phấn đấu trong top 15 của thế giới về nông nghiệp hữu cơ. Dự kiến trong quý IV/2019, dự thảo sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong các giải pháp triển khai đề án sẽ chú trọng đến giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm trên phạm vi cả nước để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng cũng như hướng đến xuất khẩu.

“Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là sang thị trường lớn châu Âu. Chính vì vậy, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần có sự quản lý chặt chẽ các tổ chức chứng nhận, đơn vị được giao trong việc giám sát kết quả chứng nhận”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Cùng với đó, các đại biểu cho rằng, hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia thế giới khi áp lực về lương thực giảm, áp lực vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường tăng. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức, bởi chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để khuyến khích phát triển. Hệ thống chứng nhận, tiêu chuẩn, quy chuẩn, giám sát chưa hoàn chỉnh; các hộ sản xuất vẫn là tự nguyện…

Toàn quốc hiện có 40 tỉnh thành trồng trọt hữu cơ với gần 23.400 ha. Diện tích chủ yếu là sản xuất theo các tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật Bản… chiếm 97,5% diện tích trồng trọt hữu cơ; sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè.

Chăn nuôi lợn hữu cơ có 12 tỉnh thành có khoảng 64.200 con, sản lượng thịt hơi gần 6.000 tấn; chăn nuôi gà hữu cơ có ở 6 tỉnh với 273.000 con, sản lượng thịt hơi 922 tấn; chăn nuôi bò hữu cơ có 2 tỉnh là Nghệ An và Lâm Đồng được các tổ chức quốc tế công nhận với tổng số 3.500 con.

Nuôi trồng thủy sản hữu cơ mới chỉ có rất ít địa phương triển khai và chủ yếu theo hướng hữu cơ và sinh thái, đối với khai thác và đánh bắt chủ yếu dựa vào tiềm năng mặt nước ao hồ tự nhiên. Hiện tại, cả nước có 4 tỉnh có mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ với tổng diện tích 134.800 ha.

Quang cảnh Hội thảo Đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.

Từ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ của các nước EU, ông Olivier Catrou, Viện Quốc gia về Xuất xứ và Chất lượng (INAO), Bộ Nông nghiệp Pháp khuyến nghị cần có quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nông dân có thể sản xuất với số lượng lớn. Người nông dân có thể sản xuất đúng quy trình nhưng nếu chưa được chứng nhận thì cũng rất khó bán ra thị trường. Vai trò quản lý nhà nước là cung cấp thông tin, hệ thống cấp, quản lý chứng nhận; hỗ trợ nông dân sản xuất và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Năm 2018, EU nhập khẩu trên 3 triệu tấn sản phẩm hữu cơ. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 39 về khối lượng xuất khẩu sang châu Âu với gần 13.000 tấn. Tỷ trọng sản phẩm hữu cơ EU nhập khẩu với 24% là trái cây, các loại hạt và gia vị; 22% là ngũ cốc và 11% là bánh khô dầu…

Theo ông Olivier Catrou, tiềm năng Việt Nam xuất khẩu nông sản hữu cơ sang châu Âu rất lớn vì các sản phẩm hai bên bổ sung cho nhau. Thị trường nông sản hữu cơ ở châu Âu rất lớn nhưng phải làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng để có thể xuất khẩu vào châu Âu. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở ra tiềm năng để phát triển mạnh lĩnh vực này cho cả hai bên. Điều quan trọng là các nhà xuất khẩu cần trực tiếp đến châu Âu để tìm hiểu, biết được họ cần gì và cần phải đáp ứng như thế nào.

Theo dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030”, đến năm 2025, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 1,5 – 3% tổng diện tích gieo trồng; chăn nuôi có 5 – 10% sản phẩm hữu cơ (riêng đối với ong và sản phẩm từ ong khoảng 40 – 50% hữu cơ); khoảng 2 – 3% diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ tương đương với 60.000 ha.

Đến năm 2030, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 7 – 10% diện tích gieo trồng (riêng đối với các cây dược liệu, hương liệu và các sản phẩm từ thiên nhiên, diện tích hữu cơ đạt khoảng 40 – 50%), năng suất cây trồng hữu cơ đạt khoảng 95 – 100% năng suất cây trồng thường; vật nuôi có 5 – 10% sản phẩm hữu cơ; thủy sản có khoảng 7 – 8% diện tích tương đương với 100.000 ha cho sản lượng khoảng 500.000 tấn.

Thanh Minh