Tiêu chuẩn ISO 56002:2019 về hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo: Nâng cao giá trị doanh nghiệp
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Tám 21, 2023 | 10:02 - Lượt xem: 781
Tiêu chuẩn ISO 56002: 2019 thuộc bộ tiêu chuẩn ISO 56000 về Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo (IMS), trong đó tiêu chuẩn này cung cấp hướng dẫn về việc thiết lập, triển khai, bảo trì và cải tiến liên tục IMS để áp dụng trong tất cả tổ chức, doanh nghiệp.
Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp là yếu tố chính giúp tăng trưởng bền vững, thúc đẩy sự phát triển của của doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Khả năng đổi mới sáng tạo của một doanh nghiệp bao gồm khả năng ứng phó với các điều kiện thay đổi của bối cảnh, tìm kiếm cơ hội mới, tận dụng kiến thức, sự sáng tạo của mọi người trong doanh nghiệp và phối hợp các bên liên quan bên ngoài. Hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn nếu tất cả yếu tố tương tác được quản lý như một hệ thống trong doanh nghiệp.
Theo đó, Ủy ban Kỹ thuật ISO TC279 đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn mới về Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo (IMS) với sự tham gia, đóng góp của hơn 40 quốc gia vào việc phát triển bộ tiêu chuẩn này. Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 gồm 7 nhóm tiêu chuẩn, với 8 nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp thu được các lợi ích từ hoạt động đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn ISO 56002: 2019 thuộc bộ tiêu chuẩn ISO 56000.
Tiêu chuẩn ISO 56002: 2019 cung cấp hướng dẫn về việc thiết lập, triển khai, bảo trì và cải tiến liên tục IMS để áp dụng trong tất cả tổ chức, doanh nghiệp. Hướng dẫn chung này dự kiến sẽ được áp dụng cho tất cả tổ chức, doanh nghiệp với các loại hình đổi mới sáng tạo. Ví dụ: sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và tổ chức…
Một tổ chức, doanh nghiệp có thể thực hiện đổi mới sáng tạo hiệu quả. Đặc biệt, hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ hiệu quả hơn nếu tất cả yếu tố tương tác khác được quản lý như một hệ thống. IMS hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) xác định tầm nhìn, chiến lược, chính sách và mục tiêu đổi mới sáng tạo của tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời thiết lập các quá trình hỗ trợ cần thiết để đạt được kết quả mong muốn.
Những lợi ích tiềm năng của việc triển khai IMS theo ISO 56002: 2019 gồm: Tăng trưởng, tăng doanh thu, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh; Giảm chi phí và chất thải, tăng năng suất và hiệu quả sử dụng các nguồn lực; Tăng sự hài lòng của người tiêu dùng, khách hàng, công dân và các lợi ích xã hội; Thực hiện đầu tư, đổi mới sáng tạo bền vững; Tăng cường phân cấp, trao quyền trong doanh nghiệp; Tăng khả năng thu hút tài trợ, đối tác và cộng tác viên; Nâng cao uy tín và giá trị doanh nghiệp; Tăng cường năng lực tuân thủ các quy định và các yêu cầu.
Theo VietQ