Tiêu chuẩn ISO 45002:2023 – Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp
Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng TưTháng Tư 19, 2023 | 10:26 - Lượt xem: 1360
Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – Các hướng dẫn chung thực hiện ISO 45001:2018 được ban hành chính thức tháng 2/2023.
Tiêu chuẩn này xác định trách nhiệm của tổ chức đối với an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OH&S- Occupational Health and Safety) của người lao động. Các trách nhiệm bao gồm khuyến khích và bảo vệ sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của người lao động. Đồng thời, tổ chức cũng chịu trách nhiệm thực hiện yêu cầu đối với bảo vệ những người bên ngoài tổ chức nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của tổ chức. Để thực hiện tốt các trách nhiệm này tổ chức cần thực hiện hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Hiện nay, các tổ chức trên thế giới đã chú trọng hơn việc quan tâm tới an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của người lao động, tuy nhiên theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2021 số lượng người lao động tử vong do bị thương hoặc bị bệnh đã chạm mốc 2.9 triệu lao động, trong đó số ca tử vong vì tai nạn nghề nghiệp khoảng 312 nghìn người[1]. Bên cạnh đó, theo báo cáo tình hình tai nạn lao động của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội năm 2021 của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2021 trên toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động (giảm 1.876 vụ, tương ứng với 22,4% so với năm 2020) làm 6.658 người bị nạn (giảm 1.952 người, tương ứng với 22,67% so với năm 2020) (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động)[2].
Tổ chức áp dụng Tiêu chuẩn ISO 45001:2018 sẽ xây đựng được một khuôn khổ để quản lý các cơ hội và rủi ro liên quan tới an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Các kết quả dự kiến của hệ thống quản lý OH&S giúp cải tiến liên tục kết quả hoạt động của hệ thống quản lý OH&S, đáp ứng các yêu cầu pháp lý liên quan, các yêu cầu khác liên quan và giúp tổ chức đạt được các mục tiêu của hệ thống quản lý OH&S.
Để triển khai, thực hiện và duy trì hệ thống quản lý OH&S hiệu lực hơn, tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế đã ban hành tiêu chuẩn ISO 45002:2023. Tiêu chuẩn ISO 45002:2023 đưa ra hướng dẫn về cách thực hiện các yêu cầu trong tiêu chuẩn ISO 45001:2018 trong các loại hình kinh doanh và tiêu chuẩn này được sử dụng đồng thời với tiêu chuẩn ISO 45001:2018. Trong khi ISO 45001:2018 đưa ra các yêu cầu cần phải thực hiện, thì tiêu chuẩn ISO 45002:2023 mở rộng các yêu cầu thực hiện và đưa ra các hướng dẫn, bao gồm cả các trường hợp thực tế và các cách thức thực hiện.
Tiêu chuẩn ISO 45002:2023 cung cấp hướng dẫn bổ sung về cách thức giải quyết các nhu cầu cụ thể của người lao động hay nhóm người lao động như khác biệt về độ tuổi, giới tính, đặc điểm tính cách hoặc nhóm thiểu số mà theo cách tiếp cận thông thường của hệ thống quản lý OH&S có thể nhận biết những nhu cầu trên nhưng không có phương án giải quyết hết các nhu cầu đó.
Nghiên cứu và áp dụng tiêu chuẩn ISO 45002:2023 sẽ giúp cho tổ chức có thể thiết lập, thực hiện, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp từ đó có thể giúp cho tổ chức tuân thủ và dễ dàng áp dụng các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 45001:2018 để giảm thiểu các rủi ro ảnh hưởng tới an toàn, sức khỏe người lao động. Đồng thời giúp các tổ chức thể hiện vai trò, trách nhiệm xã hội với cộng đồng xung quanh, góp phần vào xây dựng và phát triển bền vững.
Tiêu chuẩn này nhất quán với mô hình hệ thống quản lý OH&S của ISO 45001:2018, nhưng nó không nhằm cung cấp các diễn giải về các yêu cầu trong ISO 45001 như các môi hình tiêu chuẩn khác thường thấy trước đây.
Tiêu chuẩn ISO 45002 cũng sử dụng thuật ngữ “phải” (“should”) không làm tăng thêm hay giảm đi các yêu cầu đã được nêu trong ISO 45001, điều đó đồng nghĩa với việc tổ chức chỉ cần đáp ứng đầy đủ các nội dung “Phải” thực hiện theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 45001:2018.
Đối với hầu hết các điều khoản trong tiêu chuẩn này, có các ví dụ thực tế về cách các loại hình tổ chức khác nhau cho việc thực hiện các yêu cầu. Những điều này không nhằm mục đích đề xuất cách duy nhất hoặc cách tốt nhất để thực hiện ISO 45001, mà chỉ mô tả ví dụ một cách mà tổ chức đã thực hiện điều này.
Ths. Trần Anh Tuấn; Ths. Vũ Việt Linh –
Phòng Nghiên cứu phát triển, Đào tạo – Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT)