Tiêu chuẩn hóa và quản lý an toàn đối với thiết bị điện, điện tử gia dụng

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Chủ Nhật, Tháng TưTháng Tư 4, 2021 | 9:45 - Lượt xem: 3688

Thiết bị điện và điện tử gia dụng là loại thiết bị được sử dụng rộng rãi trong dân dụng. Hầu như mỗi hộ gia đình ở Việt Nam đều sử dụng ít nhất từ 1 đến 2 thiết bị điện gia dụng.

Các thiết bị này đều ít hoặc nhiều có nguy cơ mất an toàn như điện giật, cháy nổ, gây thương tích do các bộ phận cơ khí hoặc phát ra khí độc, bức xạ nguy hiểm. Vì vậy, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã đánh giá rủi ro và đưa các thiết bị có nguy cơ an toàn cao vào quản lý thông qua các quy định pháp luật để đảm bảo các hàng hóa khi lưu thông trên thị trường phải đạt được chuẩn mực nhất định, không gây mất an toàn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến môi trường.

Quy định quản lý thiết bị điện, điện tử gia dụng trên thế giới

Có thể điểm qua một số quy định của các nước ASEAN và một số nước tiên tiến như Châu âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc như sau:

Các nước trong khối ASEAN đã thống nhất hài hòa 122 tiêu chuẩn IEC liên quan đến thiết bị điện, điện tử và đưa 166 sản phẩm điện, điện tử vào đánh giá rủi ro để áp dụng phương thức chứng nhận thống nhất trong khối ASEAN.

Tại thị trường Mỹ, theo Luật về An toàn Điện National Electrial Code NFPA 70 và Luật về An toàn Lao động và Sức khỏe Occupational Safety and Health Act (OSH Act) 29 CFR Part 1910 thì hầu hết các sản phẩm điện sử dụng nguồn điện lưới trực tiếp bao gồm cả dây, cáp điện và thiết bị điện dùng trong hệ thống lắp đặt điện dân dụng đều phải được thử nghiệm, chứng nhận về an toàn điện và mang dấu của bên thứ ba trước khi nhập khẩu và bán ra thị trường. Các tổ chức thử nghiệm và chứng nhận của bên thứ ba này phải được công nhận bởi OSHA.

Nhật Bản đã đưa thiết bị điện-điện tử vào 2 Nhóm để quản lý theo Luật An toàn cho vật liệu và thiết bị điện Electrical Appliance and Material Safety Law. Nhóm A phải được chứng nhận phù hợp bởi bên thứ 3 gồm 166 sản phẩm, nhóm B tự công bố gồm 341 sản phẩm.

Tại Hàn Quốc, các thiết bị điện-điện tử được quản lý theo Điều luật kiểm soát an toàn thiết bị điện Electrical appliances safety control. Các thiết bị được phân loại vào 3 nhóm tùy theo mức độ rủi ro gây mất an toàn của thiết bị

–         Nhóm thiết bị phải được chứng nhận phù hợp (như Phương thức 5 của Việt Nam) bởi các đơn vị chứng nhận được chỉ định gồm 39 sản phẩm;

–         Nhóm phải xác nhận an toàn (như Phương thức 1 của Việt Nam) gồm 63 sản phẩm;

–         Nhóm tự công bố gồm 71 sản phẩm

Tại Trung Quốc, 166 loại sản phẩm điện, điện tử phải được chứng nhận và mang dấu chứng nhận CCC (China Compulsory Certification) mới được lưu hành trên thị trường.

Tiêu chuẩn hóa và quản lý thiết bị điện, điện tử gia dụng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, từ năm 2009, 13 loại sản phẩm điện, điện tử gia dụng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vào Danh mục hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn (hàng hóa nhóm 2) cần phải quản lý theo Quy chuẩn QCVN 4:2009/BKHCN. Đến năm 2012, danh mục hàng hóa Nhóm 2 này được bổ sung thêm 07 loại sản phẩm điện, điện tử cần phải quản lý về an toàn tương thích điện từ theo QCVN 9:2012/BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ và từ ngày 01/09/2019 đến ngày 01/07/2021 sẽ có thêm 04 loại sản phẩm điện, điện tử được quản lý về tương thích điện từ theo Sửa đổi 1:2018 QCVN 9:2012/BKHCN.

Chuẩn mực để đánh giá an toàn cho thiết bị điện, điện tử gia dụng là bộ tiêu chuẩn IEC 60335 Household and similar electrical appliances – Safety. Bộ tiêu chuẩn này đã được thống nhất áp dụng trên toàn thế giới, hầu hết các quốc gia đều đã chuyển dịch bộ tiêu chuẩn này thành tiêu chuẩn quốc gia. Việt Nam đã chuyển dịch bộ tiêu chuẩn IEC 60335 thành bộ tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5699. Các phần 2 áp dụng cho các thiết bị cụ thể cũng hầu hết đã được chuyển dịch thành TCVN 5699 phần 2 tương ứng.

Đối với tương thích điện từ, Việt Nam cũng đã chuyển dịch các tiêu chuẩn CISPR 11 Industrial, scientific and medical equipment – Radio-frequency disturbance characteristics – Limits and methods of measurement, CISPR 14-1 Electromagnetic compatibility – Requirements for household appliances, electric tools and similar apparatus và CISPR 15 Limits and methods of measurement of radio disturbance characteristics of electrical lighting and similar equipment thành tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6988, TCVN 7492-1 và TCVN 7186. Đây là các chuẩn mực để đánh giá tương thích điện từ cho các thiết bị điện, điện tử gia dụng.

QUATEST 1 và QUATEST 3 là 2 đơn vị thử nghiệm thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có đủ năng lực để thử nghiệm cho hầu hết các thiết bị điện, điện tử gia dụng theo các chuẩn mực nêu trên và một số tổ chức thử nghiệm khác cũng đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định thử nghiệm cho một vài thiết bị và chuẩn mực trên.

Việc quản lý theo QCVN 4:2009/BKHCN và QCVN 9:2012/BKHCN đã và đang từng bước cải thiện được chất lượng của các mặt hàng được quản lý. Qua quá trình áp dụng từ năm 2009 đến nay, tình hình chất lượng và mức độ mất an toàn của các loại hàng hóa đã được thu thập tương đối đầy đủ, từ đó có thể tổng hợp, phân tích để đưa ra phương thức quản lý phù hợp hơn với từng loại hàng hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị điện, điện tử gia dụng và cũng để bảo vệ tốt hơn cho người tiêu dùng, môi trường.

Đồng thời, việc tích hợp 2 quy chuẩn kỹ thuật và chung trong một quy chuẩn kỹ thuật cũng giúp giảm thủ tục và chi phí chứng nhận hợp quy cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị điện, điện tử.

Từ yêu cầu này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao QUATEST 3 thực hiện đề án xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn và tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử thay thế cho các Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 4:2009/BKHCN và QCVN 9:2012/BKHCN.

Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật mới thay thế cho QCVN 4:2009/BKHCN và QCVN 9:2012/BKHCN

Để thực hiện đề án, QUATEST 3 đã nghiên cứu quy định quản lý của các nước trên thế giới. Từ đó, xây dựng được danh mục các sản phẩm điện, điện tử gia dụng mà hầu hết các nước đã đưa vào quản lý để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường.

Dựa trên hướng dẫn đánh giá rủi ro gây mất an toàn cho thiết bị điện áp thấp của khối cộng đồng chung châu âu CENELEC Guide 32–Guidelines for Safety Related Risk Assessment and Risk Reduction for Low Voltage Equipment, bộ công cụ đánh giá rủi ro (Risk Engine) của Úc và New Zealand và hướng dẫn đánh giá rủi ro gây mất an toàn cho thiết bị điện – điện tử của khối ASEAN, QUATEST 3 đã thiết lập được phương pháp đánh giá rủi ro và thực hiện đánh giá rủi ro cho các thiết bị điện, điện tử gia dụng thuộc danh mục các sản phẩm điện, điện tử gia dụng đã được xây dựng. Từ đó, đưa ra được mức rủi ro mất an toàn đối với từng sản phẩm cụ thể và chọn phương thức quản lý phù hợp cho sản phẩm đó.

Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật thay thế cho QCVN 4:2009/BKHCN và QCVN 9:2012/BKHCN có một số thay đổi cụ thể như sau:

Dụng cụ điện đun nước nóng kiểu nhúng và thiết bị pha trà, cà phê đã được đưa ra khỏi danh mục hàng hóa phải kiểm soát do kết quả đánh giá rủi ro cho thấy các sản phẩm này có mức rủi ro thấp.

Hầu hết các sản phẩm đều được chuyển về chứng nhận theo Phương thức 1 để giảm chi phí và thủ tục cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị điện, điện tử gia dụng.

Để bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, 7 sản phẩm mà qua đánh giá rủi ro có mức rủi ro mất an toàn từ trung bình đến cao đã được bổ sung vào danh mục thiết bị điện phải quản lý an toàn theo Quy chuẩn kỹ thuật mới. Các sản phẩm này gồm máy bơm nước dùng trong gia đình, lò nướng lắp cố định dùng trong gia đình, máy sấy quần áo dùng trong gia đình, nồi chiên ngập dầu dùng trong gia đình, thiết bị là bằng hơi nước dùng trong gia đình, máy mài cầm tay dùng điện, máy cưa đĩa cầm tay dùng điện. Các sản phẩm mới bổ sung đều được áp dụng chứng nhận hợp quy theo Phương thức 1.

Hiện nay, dự thảo quy chuẩn kỹ thuật mới đang được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định để ban hành. Khi quy chuẩn kỹ thuật mới được ban hành và đưa vào áp dụng sẽ góp phần giảm thủ tục và chi phí chứng nhận so với việc áp dụng QCVN 4:2009/BKHCN và QCVN 9:2012/BKHCN hiện nay. Đồng thời, việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật mới cũng giúp bảo vệ tốt hơn cho người sử dụng và môi trường.

Trương Văn Thạch