Tiêu chuẩn Bền vững Tự nguyện (Voluntary Sustainability Standards) đối với sự phát triển bền vững của các nền kinh tế thành viên APEC

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Tám 22, 2024 | 23:18 - Lượt xem: 181

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ngày 15 -16/8/2024, Hội nghị lần thứ 15 của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp (APEC/SCSC) về Tăng cường hiệu quả áp dụng các Tiêu chuẩn Bền vững Tự nguyện (VSS) để thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại và hợp tác kinh tế của các nền kinh tế thành viên APEC đã được tổ chức tại Lima, Peru bởi Ban thư ký APEC, UNCTAD và chủ nhà INACAL Peru.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 60 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC và chuyên gia đến từ các trường đại học, các tổ chức quốc tế như WTO, UN, ISO, ITC, APAC,.. nhằm mục đích tăng cường nhận thức về VSS trong đóng góp cho thương mại bền vững. Đồng thời phân tích sự tương tác của VSS với các nghĩa vụ thương mại quốc tế và cùng thảo luận về khoảng cách, cơ hội, thách thức, bài học kinh nghiệm mà các nền kinh tế thành viên APEC đối mặt.

Toàn cảnh Hội nghị tại Lima, Peru.

GS. TS Thomas Dietz, Đại học Muenster đã đưa ra hướng tiếp cận dưới góc độ cơ sở lý luận và học thuật về định nghĩa và sự phát triển của VSS. Giáo sư cũng chỉ ra các tác động của VSS đối với thương mại và tính bền vững, cũng như sự liên kết của phần lớn VSS với hoạt động chứng nhận và công nhận.

Theo định nghĩa của Diễn đàn Liên hợp quốc về Tiêu chuẩn bền vững (UNFSS), VSS là tiêu chuẩn quy định về các yêu cầu mà có thể nhà sản xuất, thương nhân, người bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ phải tuân thủ, liên quan đến các chỉ số bền vững bao gồm tôn trọng quyền con người cơ bản, sức khỏe và an toàn của người lao động, tác động của sản xuất đến môi trường, quan hệ cộng đồng, quy hoạch sử dụng đất và các yếu tố khác.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 345 VSS đang có hiệu lực, xu hướng chấp nhận tiêu chuẩn VSS tăng trong giai đoạn 2020 – 2024. Theo tính toán dựa trên số liệu của ITC Standards Map & The World Bank, năm 2024 Việt Nam có 133 VSS với tỷ lệ chấp nhận (VSS adoption score) khoảng 38,55%.

Ngoài ra, những nền kinh tế có các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) liên quan đến tiêu chuẩn VSS hoạt động “tích cực” nhất bao gồm: Canada, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam dựa trên các khía cạnh như hợp tác, khuyến khích phát triển và sử dụng, hoạt động công nhận, thực thi tiêu chuẩn VSS, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EUVFTA).

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện tổ chức tiêu chuẩn ASTM và IRMA đã chia sẻ về cách thiết lập các tiêu chuẩn của họ đảm bảo tính bền vững và thúc đẩy tuân thủ các cơ chế đánh giá sự phù hợp, khiếu nại và truy xuất nguồn gốc; đại diện WTO chia sẻ sáng kiến ​​liên quan đến tính bền vững trong WTO, cách tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế và sự tương tác của VSS đối với các hiệp định của WTO. Bên cạnh đó, đại diện Tổ chức Công nhận Châu Á – Thái Bình Dương (APAC), ông Graeme Drake trình bày tổng quan về các loại VSS, sự quan trọng trong xác định rõ ràng phạm vi của VSS bao gồm mục đích, đối tượng hướng đến, đặc điểm, yêu cầu cụ thể để có thể lựa chọn chính xác các công cụ đánh giá sự phù hợp có liên quan nhằm đánh giá tác động và tính bền vững, đồng thời cập nhật ISO 14020, ISO 14019, tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm và báo cáo liên quan đến ESG, ông cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chính phủ và Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Quốc gia trong việc nâng cao năng lực, nhận thức về VSS và định hướng đối với xây dựng VSS.

Hội nghị cũng đã được nghe kinh nghiệm của New Zealand, Trung Quốc, Indonesia về đàm phán và thực hiện các điều khoản liên quan đến tính bền vững. Chia sẻ về Chương trình dán nhãn tự nguyện “Energy Star” của Hoa Kỳ; Hệ thống Chứng nhận “Good Recycled” của Hàn Quốc; cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm của các nhà xuất khẩu liên quan đến VSS và thương mại công bằng của Peru.

Đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế tham gia tích cực vào khảo sát nhận thức của các bên liên quan về VSS trước thềm diễn ra Hội nghị.

Hải Ninh