Tiếp tục cảnh báo sản phẩm TPBVSK DAVI SUKI vi phạm quy định quảng cáo

Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng TưTháng Tư 26, 2022 | 11:07 - Lượt xem: 668

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phát đi cảnh báo một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe Xuyên tâm liên Phạm Gia và An Khánh Đan LMD, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, thời gian vừa qua trên một số website quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Davi Suki với nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Sản phẩm TPBVSK Davi Suki do nhà máy Lạng Sơn – Công ty Cổ phần Công nghệ Quốc tế Đại Việt, địa chỉ: Thôn Bến Lường, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn sản xuất và Công ty Cổ phần Công nghệ Quốc tế Đại Việt địa chỉ: số 28, ngõ 317, phố Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa TP. Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Trên website: https://taoxoandaiviet.vn/tao-vien-ho-tro-tieu-duong-davi-suki sản phẩm TPBVSK Davi Suki vẫn đang được quảng cáo với công dụng như “thần dược”: “Giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Đặc biệt, ngoài thành phần chính là “siêu thực phẩm” tảo xoắn Spirulina”…  

Không những vậy, tại mục thông tin sản phẩm, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tảo viên hỗ trợ tiểu đường Davi Suki còn được “nổ” với hàng loạt công dụng: “Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị tiểu đường hiệu quả, hỗ trợ phòng chống, điều trị tiểu đường… Sản phẩm này mở ra phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường an toàn và hiệu quả cho hàng chục ngàn người bệnh”. 

Sản phẩm còn có công dụng hỗ trợ giảm đường huyết, hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng do bệnh tiểu đường, giảm lượng đường trong máu, làm giảm hàm lượng Triglycerid và Cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, tăng hiệu quả insulin có trong cơ thể. Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe DAVI SUKI hiện đang được bán với giá 750.000đồng/hộp.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, Cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào nội dung quảng cáo sai sự thật trên các đường link nêu trên để mua và sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Trước đó, Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Bên cạnh những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn tồn tại nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, chủ yếu tập trung vào hành vi như: Quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định…

Cùng với việc đề nghị xử lý nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm, để bảo vệ người tiêu dùng, trong “Tháng hành động vì ATTP năm 2022”, diễn ra từ ngày 15/4 – 15/5, các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP. Theo Cục ATTP, Tháng hành động vì ATTP năm 2022 có chủ đề: “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm trong tình hình mới”.