Thực phẩm sạch từ kiểm soát chất lượng trên thị trường

Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Tám 13, 2018 | 14:48 - Lượt xem: 1789

Với số lượng dân cư thuộc hàng đứng đầu cả nước, TP. Hà Nội không thể tự cung lượng thực phẩm trên địa bàn. Phương án kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn của các địa phương khác đã được thực hiện nhiều năm nay. Hiệu quả của phương án này ngày một nâng cao với việc kiểm soát chất lượng thực phẩm trên thị trường chặt chẽ.

Nhiều hội chợ về nông sản, thực phẩm đã mang đến sự lựa chọn đa dạng về thực phẩm an toàn cho người dân thủ đô

Phối hợp chặt chẽ sản xuất và thương mại

Trong thời gian qua thành phố Hà Nội đã tích cực kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản với các tỉnh thành như: Ninh Bình, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Huế, Sơn La, Lào Cai…Trong đó, Hà Nội đã thực hiện tốt công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ kiểm tra vệ sinh thú y và phát triển chăn nuôi.

Theo Chi cục Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, đơn vị này đã tiếp tục các thỏa thuận phối hợp về công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật với 24 tỉnh, thành phố. Hiện phần lớn số gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển lưu thông số lượng lớn giữa các tỉnh tham gia ký kết thỏa thuận phối hợp đều được tiêm phòng, được thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại nơi xuất phát, thực hiện các thủ tục về kiểm dịch theo quy định, được cơ quan thú y kiểm soát chặt chẽ.

Cùng với đó, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã phối hợp triển khai hợp tác, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm với một số đơn vị, doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố. Phối hợp trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, Hà Nội đã thực hiện các thỏa thuận hợp tác về “Sản xuất và tiêu thụ  rau an toàn” với 8 tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên và Sơn La. Đặc bịệt, tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc và Sơn La ký thỏa thuận phối hợp về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, 21 tỉnh, thành phố đã xây dựng và phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và 194 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được xác nhận. Hàng ngày, các chuỗi này cung cấp một số lượng đáng kể thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn cho người tiêu dùng địa phương và một phần cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Riêng thành phố Hà Nội các đơn vị đã duy trì và phát triển 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 36 chuỗi có nguồn gốc động vật và 44 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Đã thí điểm cấp 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 23 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn.

Đảm bảo lợi ích cho người dân và doanh nghiệp

Từ sự phối hợp chặt chẽ giữa TP. Hà Nội với các địa phương cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn, người dân thủ đô bước đầu đã có những địa chỉ tin cậy về thực phẩm của riêng mình. Cùng với đó, những doanh nghiệp tham gia chương trình cũng từng bước khẳng định thương hiệu trên địa bàn thủ đô và có ấn tượng tốt với các khách quốc tế đến tham dự chương trình.

Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, cho biết: “Công ty đã có 25 năm xây dựng thương hiệu, hiện đã liên kết sản xuất với 24 tỉnh thành trong cả nước, với 40 loại đặc sản vùng miền, bao gồm lúa, gạo và các sản phẩm làm từ lúa gạo như: nếp Tú Lệ, nếp cẩm, nếp nương. Riêng các loại gạo cũng đã có: tám thơm, tám Hải Hậu, tám Thái Lan. Hoặc các sản phẩm làm từ gạo như: cơm nắm, cơm tấm, xôi ngũ sắc; không những chúng ta được thưởng thức đặc sản vùng miền mà bản sắc vùng miền cũng được tôn vinh. Hiện, Bảo Minh có 7.000 ha sản xuất vùng đệm và 2.000 ha trong vùng lõi để sản xuất hữu cơ”.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) cho biết: “Thanh Hà là quê hương của vùng vải thiều Việt Nam, sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2007, với diện tích 3.865ha. Vụ vải năm 2018, đạt 45.000 tấn, được mùa nhưng không rớt giá, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; riêng TP. Hà Nội trên 1.000 tấn quả tươi”     

Để thực hiện hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc xuất xứ. Đã hỗ trợ xây dựng tem điện tử thông minh QR code cho sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm an toàn.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh thành sẽ phối hợp, định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội và Hà Nội đi các tỉnh, đi truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các tỉnh, thành khi có những vấn đề về an toàn thực phẩm. Các địa phương sẽ tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Đặc biệt, sẽ tăng cường phối hợp trong lĩnh vực xúc tiến thương mại nông nghiệp thông qua các hoạt động như tham gia hội chợ. Tổ chức các chương trình đoàn hợp tác giữa các tỉnh thành phố nhằm trao đổi nhu cầu hợp tác và kết nối đầu tư sản xuất và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Tập trung triển khai chương trình minh bạch thông tin điện tử cho các dòng sản phẩm nông sản an toàn và cơ sở sản xuất tiêu biểu của các tỉnh và Hà Nội.

Cục trưởng cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN& PTNT), ông Trần Như Tiệp, cho rằng: “Trong chuỗi cung ứng thực phẩm này, chúng ta xác nhận khâu chính là thị trường, Bộ NN&PTNT đã tập trung nguồn lực xây dựng chính sách để ngành phát triển nhanh, mạnh như: Phát triển Hợp tác xã kiểu mới và đang xây dựng đề án chuỗi liên kết sản xuất. Vấn đề thị trường, Bộ xác định 2 khâu phải đảm bảo, đó là: phải có sản phẩm an toàn, và đến được tay người tiêu dùng; làm được như vậy mới có thị trường, có thị trường mới sản xuất tốt được”.

 (Nguồn ‘Cổng Thông tin điện tử Chính phủ’)