Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để doanh nghiệp đột phá năng suất

Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Sáu 4, 2025 | 17:01 - Lượt xem: 83

Để đạt được đột phá thực chất, doanh nghiệp không thể chỉ dừng ở việc áp dụng rời rạc các công cụ mà cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ thay đổi tư duy lãnh đạo, đào tạo nội bộ, lựa chọn công cụ phù hợp đến tận dụng công nghệ số và xây dựng văn hóa cải tiến bền vững.

Theo Viện Năng suất Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển và hội nhập mạnh mẽ, việc nâng cao năng suất chất lượng, cải tiến quy trình sản xuất không chỉ là nhu cầu mà còn là đòi hỏi bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng hiệu quả các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến như 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, BSC… nhằm loại bỏ lãng phí, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Không ngừng cải tiến năng suất để doanh nghiệp duy trì vị thế, mở rộng thị phần.

Tại Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), việc triển khai 5S và Kaizen đã giúp môi trường làm việc trở nên ngăn nắp, hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo từ nhân viên tới cấp quản lý. Cùng với đó, EVNHCMC còn đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua ứng dụng văn phòng điện tử, hệ thống quản lý nhân sự HRMS, đào tạo E-learning và giám sát an toàn trực tuyến. Đặc biệt, việc đưa thiết bị bay UAV vào kiểm tra lưới điện đã nâng cao độ chính xác, giảm thiểu thời gian và chi phí vận hành.

Tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, việc áp dụng Lean Six Sigma trong dây chuyền lắp ráp LED giúp tăng năng suất 59%, mang lại giá trị gần 1 tỷ đồng/năm. Công ty May Hưng Nhân (Tổng Công ty Đức Giang) cũng ghi nhận năng suất chuyền may tăng từ 25 – 30%, hàng tồn giảm 75% nhờ triển khai Lean trong 6 tháng.

Tuy vậy, vẫn có không ít doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong đợi. TS Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho rằng nguyên nhân đến từ tâm lý e ngại thay đổi, lãnh đạo thiếu cam kết hoặc lúng túng trong lựa chọn công cụ cải tiến phù hợp. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt chỉ đóng vai trò gia công cho các đơn hàng nước ngoài, nên nếu không có yêu cầu từ đối tác, họ khó có động lực cải tiến.

Để cải tiến năng suất thành công, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: nâng cao nhận thức và đào tạo nội bộ; bắt đầu thí điểm từ một bộ phận trước khi nhân rộng; ứng dụng công nghệ để đo lường kết quả; hợp tác với chuyên gia và tổ chức tư vấn; đặc biệt là biến tinh thần cải tiến thành văn hóa doanh nghiệp.

Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng lớn và yêu cầu tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc cải tiến năng suất không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả hoạt động mà còn là “tấm vé” để nâng tầm vị thế trên thị trường quốc tế.

Duy Trinh