Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển hệ thống đo lường quốc gia
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Bảy 14, 2022 | 9:35 - Lượt xem: 819
Trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển hệ thống đo lường quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trải qua thời gian, hệ thống đo lường quốc gia của nước ta từng bước phát triển và hoàn thiện. Một trong những mục tiêu quan trọng phát triển hệ thống đo lường quốc gia giai đoạn đến năm 2025, định hướng 2030 là phát triển đo lường Việt Nam đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội đất nước, với quy hoạch phát triển của bộ, ngành, địa phương;
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp, tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đo lường nhằm huy động đa dạng các nguồn lực đóng góp phát triển hoạt động đo lường…
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới ngành đo lường cần thực hiện các giải pháp như: Sửa đổi chính sách về đo lường, tạo thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp: cần xây dựng, ban hành Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế đến năm 2025, rà soát, bổ sung danh mục đến năm 2030.
Ban hành chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đo lường, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động đo lường; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ đo lường. Rà soát, bổ sung phương tiện đo, chuẩn đo lường, chất chuẩn vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Ban hành bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường, thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế. Phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để phục vụ nhu cầu về đo lường của doanh nghiệp.
Duy trì hệ thống chuẩn đo lường quốc gia, đảm bảo độ chính xác và tính liên kết chuẩn đo lường quốc gia của Việt Nam đến chuẩn đo lường quốc gia, chuẩn đo lường quốc tế có độ chính xác cao hơn của các Viện Đo lường quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tăng cường công tác nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về khoa học công nghệ đo lường. Nghiên cứu phát triển, thương mại hóa chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo phù hợp tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường: nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về công tác quản lý hoạt động đo lường; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo.
Triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cụ thể: Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai áp dụng chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo; cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo; tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến trong quá trình sản xuất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tăng cường hợp tác quốc tế: Viện Đo lường Việt Nam cần tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường mà hiện Việt Nam là thành viên. Đẩy mạnh trao đổi, hợp tác nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ với các cơ quan, tổ chức đo lường các quốc gia/nền kinh tế trong khu vực và thế giới; mở rộng tham gia đàm phán, ký kết thỏa thuận song phương và đa phương nhằm thừa nhận lẫn nhau kết quả đo, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, sản phẩm hàng hóa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động đo lường phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
Thanh Tùng
(Bài viết tham khảo nội dung từ cuốn sách Đo lường học – Hệ thống đo lường Quốc gia)