Thúc đẩy xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ khí phù hợp với xu hướng quốc tế
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Chín 6, 2018 | 14:33 - Lượt xem: 2553
Đại diện Bộ KH&CN khẳng định sẵn sàng chung tay cùng các bộ ngành, hiệp hội xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm cơ khí xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ khí còn khiêm tốn
Nói về hiện trạng hệ thống TCVN, QCVN trong lĩnh vực cơ khí, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, hiện Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN đối với sản phẩm cơ khí chế tạo phù hợp Tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể, trong hệ thống chung của Việt Nam hiện có khoảng hơn 10.500 TCVN, đạt tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế trên 49%. Trong đó, TCVN thuộc lĩnh vực cơ khí là 2125 TCVN, chiếm khoảng 20% tổng số TCVN hiện hành. Hệ thống QCVN tính chung có khoảng gần 700. Trong đó, các Bộ liên quan (Công Thương, Giao thông Vận tải, NN&PTNT, LĐTBXH, KH&CN) đã xây dựng và ban hành một số QCVN đối với các sản phẩm lĩnh vực cơ khí thuộc trách nhiệm quản lý.
Tuy nhiên, riêng QCVN đối với cơ khí khá khiêm tốn khoảng 17 QCVN liên quan tới phương tiện giao thông đường bộ, vật liệu cơ khí, máy nông nghiệp. Trong đó có khoảng 5 QCVN do Bộ Công Thương xây dựng, khoảng 9 QCVN do Bộ GTVT xây dựng, 1 QCVN do Bộ NN&PTNT xây dựng về máy nông nghiệp và 2 QCVN liên quan tới thép do Bộ KH&CN xây dựng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho lĩnh vực cơ khí tại Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn.
Về quy hoạch, kế hoạch xây dựng TCVN nói chung và quy hoạch nhóm TCVN về cơ khí nói riêng, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã có Quyết định số 3257/QĐ-BKHCN ngày 24/11/2014 phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống TCVN đến năm 2020.
Theo quy hoạch này, tổng số TCVN cần xây dựng (giai đoạn 2015-2020) sẽ là 4741 TCVN. Trong đó, TCVN ở lĩnh vực cơ khí là 837 (bao gồm TCVN về công trình, kết cấu và máy móc lắp đặt cho trang trại; máy móc, dụng cụ và thiết bị nông nghiệp, lâm nghiệp; phụ tùng và kết cấu cơ khí; các hệ thống cơ khí (khí nén, thủy lực, bôi trơn); hệ thống chứa, truyền dẫn chất lỏng; máy công cụ; động cơ đốt trong; thiết bị vận chuyển; tiết kiệm năng lượng và thiết bị tiết kiệm năng lượng; năng lượng tái tạo; công nghiệp hỗ trợ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải hàng không; phòng cháy chữa cháy và cứu hộ.
Tính riêng trong năm 2018, theo kế hoạch xây dựng TCVN của lĩnh vực cơ khí (bao gồm thiết bị nhà máy công nghiệp và thiết bị điện) ban hành kèm theo Quyết định số 3925/QĐ-BKHCN ngày 29/12/2017 thì tổng số TCVN sẽ được xây dựng là 51 TCVN. Cụ thể, Bộ Công Thương xây dựng 2 TCVN; Bộ NN&PTNT xây dựng 2 TCVN; Bộ KH&CN xây dựng 28 TCVN; Bộ Công An xây dựng 9 TCVN; Bộ GTVT xây dựng 10 TCVN.
Đồng thời, hằng năm, căn cứ Quy hoạch TCVN đã phê duyệt, căn cứ các Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân, Bộ KH&CN phê duyệt Kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm để xây dựng, soát xét, sửa đổi, bổ sung các TCVN cụ thể.
Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ khí phù hợp với xu hướng quốc tế
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, theo pháp luật về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, Chính phủ ban hành Nghị định 78/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Điểm mới trong Nghị định này là các lĩnh vực phân công rõ ràng, tránh chồng chéo, thống nhất lại trách nhiệm xây dựng cũng như ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các bộ ngành.
Ví dụ Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm về xây dựng, ban hành quy tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn kỹ thuật công nghiệp (an toàn các thiết bị chịu áp lực, thiết bị nâng, an toàn đối với thiết bị có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp); an toàn điện trong quản lý, vận hành trang thiết bị điện; khai thác mỏ và dầu khí (trừ thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác dầu khí trên biển); An toàn trong sản xuất cơ khí
Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về xây dựng, ban hành quy tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong nhóm máy, thiết bị, vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản.
Bộ GTVT chịu trách nhiệm về xây dựng, ban hành quy tiêu chuẩn, quy chuẩn về phương tiện GTVT; phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, công – ten – nơ sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển.
Cần đẩy mạnh việc xây dựng tiêu chuẩn, Quy chuẩn cho các sản phẩm cơ khí theo hướng hài hòa với Tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ KH&CN có trách nhiệm phối hợp các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân lập và phê duyệt kế hoạch, quy hoạch xây dựng TCVN hàng năm và trong từng thời kỳ phù hợp nhu cầu của quản lý nhà nước và sản xuất, kinh doanh; Thẩm định và công bố các dự thảo TCVN do các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân xây dựng và đề nghị; Thẩm định các QCVN do các Bộ, ngành xây dựng và đề nghị; Tổ chức xây dựng và công bố các TCVN, xây dựng và ban hành các QCVN về thiết bị điện-điện tử gia dụng và các sản phẩm, hàng hóa khác.
“Nghị định 78/2018/NĐ-CP cũng có quy định mới là nâng cao vai trò xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn xuất phát từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là thông qua các hiệp hội. Như chúng ta đã biết, hiện Việt Nam vẫn đang xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đi theo mô hình từ các bộ ngành đi xuống, còn trên thế giới thì theo mô hình từ dưới (doanh nghiệp) đi lên. Đây là một xu hướng hợp lý, phù hợp với thực tiễn Việt Nam nên chúng ta cần khuyến khích các doanh nghiệp, cụ thể là các hiệp hội đề xuất xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết thêm, đối với vấn đề rào cản kỹ thuật (bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà các nước khác đặt ra với hàng hóa của Việt Nam), hiện đã có các điểm TBT hỏi đáp ở các bộ ngành. Trong đó, Bộ KH&CN đóng vai trò đầu mối chung.
“Nếu các doanh nghiệp, tổ chức hay cơ quan nào có nhu cầu tìm hiểu về việc các hệ thống tiêu chuẩn, Quy chuẩn về lĩnh vực cơ khí của các nước khác ban hành ra sao, có thể liên hệ trực tiếp các điểm TBT thuộc bộ ngành được phân công hoặc hỏi trực tiếp Bộ KH&CN. Đến nay, TBT Việt Nam nhận được 158 thông báo từ các nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm cơ khí. Thông tin này đêu được công bố công khai trên mạng TBT Việt Nam cũng như hệ thống điểm TBT của các Bộ ngành”, ông Linh thông tin thêm.
Liên quan tới việc thực hiện Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (trong đó đề cập tới nhiệm vụ xây dựng rào cản kỹ thuật theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm cơ khí xuất nhập khẩu), ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, rào cản kỹ thuật phải được áp dụng đối với cả sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm trong nước để phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp cho việc xuất khẩu dễ dàng hơn. Đồng thời, bảo hộ được sản phẩm của Việt Nam đảm bảo yêu cầu chất lượng từ các nước đối tác nhập khẩu cũng như đảm bảo an toàn cho xã hội, cho người tiêu dùng.
“Việc nâng cao chất lượng sản phẩm cơ khí xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc phần lớn vào ý thức và hành động từ các doanh nghiêp. Vấn đề tận dụng các yếu tố để bảo hộ sản phẩm cơ khí về mặt rào cản (yếu tố kỹ thuật) là vấn đề khó và cần sự liên kết nhà nước với doanh nghiệp thông qua các hiệp hội. Thời gian tới, chúng ta cần nỗ lực xây dựng tiêu chuẩn bắt kịp xu hướng quốc tế. Điều này cần sự phối hợp của các bộ ngành liên quan để xây dựng nên một danh mục cụ thể các sản phẩm cơ khí cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng lợi thế của sản phẩm trong nước hạn chế những sản phẩm không đạt chất lượng.
Bộ KH&CN sẵn sàng chung tay cùng tất cả bộ ngành, hiệp hội xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và các biện pháp quản lý sản phẩm cơ khí xuất nhập khẩu thời gian tới”, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định.
(Nguồn vietq.vn)