Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, khu vực tư nhân vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO
Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 22, 2017 | 7:36
Với định hướng đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn không chỉ dừng lại ở cấp độ tiêu chuẩn quốc gia, mà chủ động tham gia vào hoạt động của các ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế. Trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổng cục TCĐLCL và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, Tổng cục đã hỗ trợ và cử 01 chuyên gia (bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc) đến từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tham dự với tư cách thành viên chính thức tại cuộc họp kỹ thuật thường niên của ISO/TC 45 (Ban kỹ thuật ISO về cao su và sản phẩm cao su) diễn ra từ ngày 23/10/2017 đến ngày 27/10/2017 tại Hawai, Hoa Kỳ,.
Phiên họp kỹ thuật thường niên của ISO/TC 45 tại Hawaii, Hoa Kỳ, từ ngày 23/10/2017 đến ngày 27/10/2017
Tham gia cuộc họp kỹ thuật có 103 thành viên đến từ 16 quốc gia gồm Trung Quốc, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Nam Phi, Pháp, Thụy Điển, Đức, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Ý, Anh, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Malaysia và Việt Nam.
Việt Nam tham gia P-Member trong 2 tiểu ban (Sub Committee – SC) là SC2 – Testing Analyses (Phân tích thử nghiệm); và SC3 – Raw materials – including latex – for use in the rubber industry (Cao su nguyên liệu thô – bao gồm latex – sử dụng trong công nghiệp cao su).
Bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trình bày sự cần thiết soát xét ISO 248-1 tại phiên họp của SC3/WG4
Với định hướng tăng cường xã hội hóa, thúc đẩy và hỗ trợ khu vực tư nhân tham gia sâu, thực chất hơn vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với những sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam,), gắn lợi ích doanh nghiệp với chính sách tiêu chuẩn hóa quốc gia việc xây dựng, phát triển tiêu chuẩn quốc gia về cao su (TCVN) lên tầm khu vực, quốc tế là rất cần thiết.
Sự tham gia tích cực của doanh nghiệp Việt Nam vào các ban kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn cao su trong khuôn khổ ISO, ASEAN sẽ giúp khu vực tư nhân có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, góp tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam, nâng cao chất lượng sản phẩm cao su Việt Nam thông qua hội nhập tiêu chuẩn chất lượng thế giới, giữ vững được cơ cấu tổ chức kiểm soát chất lượng ít bị ảnh hưởng bởi sự áp đặt về cơ cấu tổ chức chất lượng của các nước khác, tránh những sự chuyển giao những công nghệ thiết bị lạc hậu do sự áp đặt thay đổi về quy trình, tiêu chuẩn từ các nước có nền công nghệ sơ chế và chế biến cao su đang phát triển trong khu vực và trên thế giới, và nhằm phục vụ cho mục tiêu tránh và xóa những rào cản kỹ thuật ảnh hưởng đến việc kinh doanh và phát triển cao su và sản phẩm cao su Việt Nam.
Trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan Tiêu chuẩn hóa quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) luôn nỗ lực là cầu nối, gắn kết lợi ích của Doanh nghiệp với công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực với mục tiêu xây dựng tiêu chuẩn phải xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thị trường và khi công bố thì sẽ quy lại phục vụ tốt cho phát triển KTXH, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.
Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục TCĐLCL