Thúc đẩy phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng với Bộ Công Thương

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Bảy 16, 2020 | 15:31 - Lượt xem: 1279

Ngày 15/7, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã có buổi làm việc với Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương về kết quả hoạt động TCĐLCL giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch năm 2021.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành 06 văn bản về hoạt động Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Ban hành 10 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương. Năm 2020, đề nghị thẩm định 03 TCVN về LPG, đồng thời tập trung rà soát, hoàn thiện hồ sơ để chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố các TCVN, QCVN còn lại.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh.

Phó Vụ trưởng Vụ KHCN- Bộ Công Thương tại buổi làm việc. 

Theo ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Công Thương, thời gian vừa qua, hoạt động đánh giá sự phù hợp, công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được tăng cường. Bên cạnh đó là các hoạt động như: Triển khai việc chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 trong cơ quan Bộ Công Thương; Đăng ký, chỉ định và kiểm tra hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa và các tổ chức kiểm nghiệm đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm; Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm; Hợp tác quốc tế: ký kết Biên bản hợp tác với Hiệp hội Điện lực Hàn Quốc và đang xúc tiến đề xuất các nội dung triển khai cụ thể trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp; Triển khai Chương trình NSCL ngành công nghiệp và thực hiện báo cáo kết quả theo yêu cầu của cơ quan đầu mối.

Theo ông Cường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai thực thi cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng như EVFTA, CPTPP, VKFTA…, Bộ Công Thương đang rà soát, nghiên cứu và xây dựng, hoàn thiện các văn bản nhằm bao quát toàn bộ hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng của ngành Công Thương trong thời gian tới.

Hiện Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đối với ngành Công Thương nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về hoạt động đo lường trong ngành Công Thương, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành Công Thương nâng cao năng lực hoạt động đo lường.

Đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục TCĐLCL giải đáp thông tin còn vướng mắc tại buổi làm việc. 

Xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Hiện nay dự thảo các kế hoạch triển khai đề án đã được lấy ý kiến các đơn vị trong Bộ Công Thương, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2020, ông Cường cho biết.

Trao đổi về công tác xây dựng TCVN, QCVN, ông Cường cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, nghiên cứu và xây dựng kế hoạch tổng thể hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN ngành Công Thương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một số lĩnh vực đã được xác định định hướng xây dựng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, nước ngoài tiên tiến như ISO, IEC, Codex và một số chấp nhận theo tiêu chuẩn của Châu Âu (EN), Hiệp hội kỹ sư Hoa Kỳ (ASME), Hiệp hội các PTN Hoa Kỳ (ASTM)… Vì vậy, để tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, chấp nhận các tiêu chuẩn này, đề nghị Tổng cục TCĐLCL có các hướng dẫn và trao đổi, thống nhất với các tổ chức liên quan để đảm bảo việc chấp nhận tiêu chuẩn nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước ngoài, không vi phạm về bản quyền tiêu chuẩn của các tổ chức này.

Toàn cảnh buổi làm việc. 

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công Thương cũng đề xuất đẩy nhanh xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật và các thiết bị chính của điện mặt trời, đồng thời đề xuất phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về pin mặt trời và phương án xử lý pin năng lượng… cung cấp thông tin khi có yêu cầu liên quan đến xây dựng tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật trong hợp phần Tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm thuộc Chiến lược Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 đến 2025.

Đồng thời, hỗ trợ Bộ Công Thương trong việc triển khai thực hiện Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam; Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025.

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh đánh giá cao và hoàn toàn nhất trí các đề xuất về công tác phối hợp, triển khai hoạt động TCĐLCL giữa 2 đơn vị và nhấn mạnh, sự phối hợp công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng với Bộ Công Thương là hoạt động quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này giữa hai Bộ.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh tặng Phó Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ Công Thương Danh mục Tiêu chuẩn quốc gia và Bộ đầu sách về Hệ thống quản lý và Công cụ cải tiến năng suất chất lượng. 

Hai đơn vị chụp ảnh lưu niệm. 

Theo ông Linh, thời gian tới, Vụ KHCN – Bộ Công Thương và Tổng cục TCĐLCL sẽ tập trung thực hiện các vấn đề còn vướng mắc, trong đó có vấn đề về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; tăng cường hoạt động quản lý chất lượng xăng dầu, trong đó sớm ban hành QCVN về xăng dầu mức V; Về hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia với những đổi mới được đề cập tại Thông tư 27/2019-BKHCN; Về nghiên cứu đưa vào kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Tháo gỡ những vướng mắc về công tác thẩm định TCVN, QCVN; Triển khai các đề án như Đề án 996, TBT và hoạt động triển khai sâu hơn ISO hành chính công tại ngành dọc Bộ Công Thương… nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động TCĐLCL trong thời gian tới.

Bảo Anh