Thúc đẩy nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Long An
Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng TưTháng Tư 19, 2023 | 10:32 - Lượt xem: 573
Thực hiện Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An đã phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam xây dựng Kế hoạch Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Long An giai đoạn 2023-2030.
Long An là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2021, Long An là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 13 về số dân, trong danh sách đơn vị hành chính Việt Nam theo GRDP, xếp thứ 12 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 14 về GRDP bình quân đầu người. Với 1.763.754 người dân GRDP đạt 138.198 tỉ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt gần 81 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,41%.
Thực hiện chương trình của Bộ KH&CN, UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ, áp dụng các giải pháp hữu ích, phát triển nhãn hiệu,… Qua đó, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh. Theo kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở KH&CN chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện.
Để triển khai kế hoạch này, Sở KH&CN tập trung hướng vào các doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy các công tác phối hợp các đơn vị tư vấn được chỉ định bởi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, trường đại học và viện nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng các hàm lượng công nghệ từ các nghiên cứu khoa học. Theo đó, trong năm 2021, Sở KH&CN tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có đăng ký tham gia thực hiện các nội dung nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, áp dụng các giải pháp hữu ích. Theo đó, doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng, áp dụng và được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng: ISO 14001, ISO 22000, ISO 9001, SA 8000, ISO 45001, VIET-GAP, 5S,… công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy,…
Nhằm triển khai có hiệu quả và cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của tỉnh Long An và trên cơ sở đánh giá thực trạng năng suất lao động, tình hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Long An giai đoạn 2023-2030. Trong đó, đề ra mục tiêu: Đến năm 2025 Phấn đấu góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm; Góp phần đạt mục tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 45% vào tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh; Hỗ trợ ít nhất 10 doanh nghiệp về cải tiến năng suất, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất; Hỗ trợ ít nhất 01 trường đại học/cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo bồi dưỡng về năng suất; Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về cải tiến năng suất cho ít nhất 10 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học; 100 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động của các doanh nghiệp. Mục tiêu định hướng đến năm 2030: Góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7,5%/năm; Góp phần đạt mục tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 50% vào tăng GRDP của tỉnh; Hỗ trợ ít nhất 20 doanh nghiệp điểm về cải tiến năng suất, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất; Xây dựng ít nhất 02 mô hình điểm về áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất trong lĩnh vực dịch vụ công, bệnh viện, trường học; Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về cải tiến năng suất cho 20 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học; 200 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động của các doanh nghiệp.
Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, một số giải pháp chủ yếu được đặt ra như sau:
– Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về cải tiến năng suất, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình doanh nghiệp điểm áp dụng thành công các công cụ nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo.
– Xây dựng cơ sở dữ liệu về năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để chia sẻ thông tin, dữ liệu về ứng dụng các tiến bộ công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất mới, tiên tiến, chuyên gia năng suất để phục vụ doanh nghiệp.
– Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về năng suất, chương trình hướng nghiệp tại một số trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường phổ thông trung học, v…v… trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của một số doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cụ thể; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về năng suất trong khối sinh viên các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
– Hình thành, phát triển mạng lưới các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất ở các sở, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội và doanh nghiệp. Tổ chức hoạt động hợp tác, kết nối giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ, công nghệ thông tin tham gia vào các dự án điểm về cải tiến năng suất trong các lĩnh vực cụ thể.
– Gắn kết chặt chẽ nội dung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất với các đề án, nhiệm vụ của các chương trình khoa học, công nghệ của tỉnh Long An.
Bùi Thu Hoài – Viện Năng suất Việt Nam