Thừa Thiên Huế: Phát triển doanh nghiệp Việt phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ

Thứ Năm, Tháng Hai 17, 2022 | 9:37

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 86/QĐ-UBND về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 và định hướng năm 2030.

Mục tiêu của Kế hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh quy tụ được 300 doanh nghiệp công nghệ số. Đến năm 2030, phấn đấu Thừa Thiên Huế có khoảng 500 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội và thực hiện chuyển đổi số trong tỉnh.

Các nhiệm vụ và giải pháp Kế hoạch đưa ra, theo đó, hoàn thiện các chính sách khuyến khích về phát triển doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp công nghệ số, hỗ trợ việc đăng ký và thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số về thủ tục gia nhập thị trường. Đặc biệt, xây dựng chính sách ưu tiên doanh nghiệp mới tham gia phát triển Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tại Thừa Thiên Huế; Hỗ trợ trong việc tạo ra các môi trường thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới ứng dụng công nghệ số tại Thừa Thiên Huế.

 Ảnh minh họa.

Cụ thể như, tiến hành các khung thử nghiệm pháp lý (regulatory sandbox) cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm các phát kiến đổi mới trong điều kiện thị trường thực tế; Xây dựng chính sách, giải pháp tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Thừa Thiên Huế, bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp trong xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án về chính phủ điện tử, chuyển đổi số, dịch vụ đô thị thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh, môi trường,..

Về phát triển doanh nghiệp, định hướng, hỗ trợ tối thiểu 01 doanh nghiệp công nghệ số Thừa Thiên Huế phát triển sản phẩm số trọng điểm của tỉnh, trở thành trụ cột của hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số Thừa Thiên Huế trước năm 2025; Phát triển tối thiểu 03 – 05 nền tảng công nghệ số dùng chung để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy phát triển sản phẩm số trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đưa vào sử dụng trước năm 2025; Tổ chức Diễn đàn về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp số trong và ngoài nước tham gia nhằm mục đích xúc tiến doanh nghiệp công nghệ số đầu tư về Huế.

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh về phát triển doanh nghiệp công nghệ số; tuyên truyền chiến lược “Make in Viet Nam” để các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện tốt chiến lược này với hàm ý “Doanh nghiệp Viêt Nam phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp mô hình kinh doanh mới”; Tổ chức tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ công chức về phát triển và ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế –  xã hội; tích cực sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh và của Việt Nam trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; Tổ chức truyền thông rộng rãi mang tính quốc tế về tầm quan trọng của chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực kinh tế xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, tài nguyên và môi trường, tài chính, nông nghiệp,…của tỉnh; giúp quảng bá được Thừa Thiên Huế là thị trường tiềm năng, là môi trường thuận lợi cho các doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ số trong nước và quốc tế đầu tư vào tỉnh; Tuyên truyền về việc đảm bảo an toàn an ninh trong hoạt động của doanh nghiệp trên không gian mạng.

An Hạ