Thêm nhiều loại kẹo bị thu hồi do nhiễm khuẩn, không đảm bảo chất lượng
Thứ Ba, Tháng TưTháng Tư 19, 2022 | 14:44
Thời gian gần đây đã không ít sản phẩm kẹo dành cho trẻ em bị thu hồi do có khả năng nhiễm khuẩn và chứa vật thể lạ.
Bộ Công Thương đề nghị thu hồi một số loại kẹo trứng chocolate Kinder
Một số dòng sản phẩm kẹo trứng chocolate nhãn hiệu Kinder sản xuất tại Bỉ được Bộ Công Thương đề nghị thu hồi. Yêu cầu này được đưa ra với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối thực phẩm, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam. Bộ này cũng đề nghị các nhà cung cấp không tiếp tục bán sản phẩm kẹo này cho tới khi có thông báo mới.
Lý do thu hồi là kẹo trứng socola nhãn hiệu Kinder của Công ty Ferrero sản xuất tại Bỉ có khả năng bị nhiễm khuẩn samonella và đang được nhà sản xuất thông báo thu hồi.
Các dòng kẹo trứng chocolate nhãn hiệu Kinder tại Việt Nam thuộc diện rà soát thu hồi gồm Kinder Surpise 20 gram hạn sử dụng tới tháng 7/2022; Kinder Surprise 100 gram, Kinder Mini eggs 75 gram, Kinder eggs Hunt kit 150 gram, Kinder Schokobons 200 gram… hạn dùng từ 20/4 đến 21/8/2022. Đây đều là các sản phẩm được doanh nghiệp nhập khẩu từ châu Âu.
Theo đại diện Bộ Công Thương, cơ quan này chỉ đề nghị với những sản phẩm do hãng cảnh báo, không phải thu hồi với tất cả sản phẩm kẹo trứng Kinder. Ngoài ra, quá trình rà soát, nếu phát hiện các sản phẩm bị hãng cảnh báo thì thu hồi, không phân biệt hình thức nhập khẩu. Như vậy có nghĩa, các loại kẹo trứng nhập khẩu theo đường xách tay nếu thuộc diện thu hồi cũng được áp dụng.
Kẹo thạch sữa trái cây ở Anh bị thu hồi
Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi sử dụng loại kẹo thạch sữa trái cây vừa bị thu hồi ở Anh. Theo đó, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, theo cảnh báo từ Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA), Công ty trách nhiệm hữu hạn Interdragon International Trading và Công ty trách nhiệm hữu hạn Assia Oriental Market đang tự thu hồi kẹo thạch sữa trái cây XZL Milk Fruit Jelly School Bags.
Sản phẩm này chứa phụ gia thực phẩm Carrageenan (INS 407), Sodium Alginate (INS 401) và Konjac (INS 425) có nguy cơ gây nghẹt thở vật lý khi sử dụng. Những lô hàng bị thu hồi có hạn sử dụng trước ngày 1/9/2022 và 30/9/2022. Theo FSA, khách hàng tại Anh có thể trả sản phẩm cho nơi bán để nhận lại toàn bộ tiền.
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi sử dụng sản phẩm kẹo thạch sữa trái cây XZL Milk Fruit Jelly School Bags này.
Theo quy định của châu Âu, một số chất có trong thành phần kẹo thạch này không được phép sử dụng vì có khả năng gây hóc vật lý. Bộ Công Thương cho biết, ngoài cảnh báo, cơ quan này cũng đang rà soát về mặt khoa học, mối liên quan giữa thành phần hóa học và vật lý cũng như quy định khác nhau giữa Việt Nam và các nước…để có hướng xử lý tiếp theo.
Theo khảo sát cho thấy, trên thị trường hiện chưa ghi nhận dòng sản phẩm này. Tại các chợ và siêu thị, các sản phẩm bày bán chủ yếu mang nhãn hiệu khác được sản xuất tại Việt Nam, Đức và Trung Quốc. Tương tự, các cửa hàng online và trang mua bán thương mại điện tử cũng chưa thấy các dòng kẹo thạch trên…
Các siêu thị trong nước cũng khẳng định không bán kẹo trứng Kinder trong diện thu hồi. Các siêu thị cho biết kẹo trứng bán trên thị trường được sản xuất từ Ấn Độ và Italy, không liên quan tới những sản phẩm xuất xứ từ Bỉ đang được đề nghị thu hồi.
Tại châu Âu, Tập đoàn Ferrero vẫn cảnh báo và đang thu hồi sản phẩm trứng Kinder tại một số nước. Công ty mở rộng đợt thu hồi sang Mỹ, Australia và Newzealand. Trong khi đó, giới chức y tế châu Âu nghi ngờ trứng chocolate Kinder Surprise nhiễm khuẩn salmonella là do nguồn sữa bị hỏng tại một nhà máy của Bỉ.
Thu giữ hàng nghìn viên kẹo hình mắt người kỳ dị, phản cảm
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang mới đây cũng đã thu giữ hàng nghìn viên kẹo hình mắt người kỳ dị, phản cảm được bày bán ở nhiều tiệm tạp hóa, với nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.
Kiểm tra một số tiệm tạp hóa tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Tổ công tác của Công an tỉnh An Giang phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện hàng nghìn viên kẹo có hình dạng y hệt như con mắt. Theo chủ cửa hàng, khách hàng của những sản phẩm này hầu hết là trẻ em.
Anh Bùi Trung Triết, chủ cửa hàng tạp hóa, cho biết: “Người lớn ít ăn, nhưng con nít thích lắm, có nhiều loại giá khác nhau, loại rẻ thì 2.000 đồng, 5.000 đồng. Đương nhiên, kẹo rẻ thì chất lượng không cao được, cứng và chai”.
Cũng theo chủ cửa hàng, lúc đầu nhìn thấy trẻ nhỏ ngậm và ăn viên kẹo có hình dạng y hệt như con mắt người, anh thấy hơi rùng mình. Tuy nhiên, vì bán hàng tạp hóa nên mặt hàng nào bán có lãi là anh lấy về, không quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Rõ ràng, ngoài phim ảnh bạo lực, việc để trẻ em ăn những sản phẩm bánh kẹo có hình các bộ phận cơ thể người rất có thể tạo khuynh hướng bạo lực. Và với thị trường khó truy xuất nguồn gốc như hiện nay, nhiều tiểu thương đã trà trộn những mặt hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng nhằm bán kiếm lời. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người sử dụng.
Thu hồi kẹo Snickers ở Việt Nam và 54 nước
Trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin cảnh báo về việc công ty Mars của Anh sản xuất Socola có thể chứa các mẩu nhỏ chất dẻo trong những sản phẩm Snickers, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị các công ty báo cáo tình hình nhập khẩu, số lượng tiêu thụ và tồn kho sản phẩm này.
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin cảnh báo về việc Công ty Mars của Anh đã tiến hành thu hồi các sản phẩm Socola được sản xuất tại Hà Lan và được phân phối, bán tại Anh sau khi một khách hàng ở Đức tìm thấy một miếng nhựa trong thanh kẹo Snickers. Vì vậy, nhà sản xuất kẹo socola Mars đã phải mở rộng lệnh thu hồi các thanh kẹo Mars và Snickers lên tận 55 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 1130/ATTP-SP đề nghị các công ty nhập khẩu, phân phối… sản phẩm này báo cáo về số lượng nhập khẩu; Số lượng tồn kho; Số lượng đã tiêu thụ các sản phẩm này.
An Dương (T/h)