Thay thế Thông tư 21 nhằm ‘tháo gỡ’ bất cập trong xây dựng tiêu chuẩn quốc gia
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười Một 6, 2019 | 8:29 - Lượt xem: 1729
Giải quyết những bất cập trong công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn quốc gia từ các Bộ quản lý chuyên ngành đang là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Cùng với việc ra đời của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định 127/2007/NĐCP hướng một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 21/2007/TT-BKHCN (Thông tư 21) và Thông tư 29/2011/TT/BKHCN nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
Ra đời trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu gia nhập WTO với những nội dung tuân thủ theo cam kết Hiệp định TBT và hướng dẫn nghiệp vụ ISO/IEC trong thời điểm đó, Thông tư 21 đã giúp cho hoạt động tiêu chuẩn hóa từng bước đi vào nề nếp, việc lập kế hoạch, xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn đã có bài bản, được kiểm tra, rà soát thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền, phù hợp với cam kết Hiệp định WTO/TBT.
Sau hơn 10 năm là thành viên của WTO, đến nay Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 Hiệp định FTA song phương và đa phương. Trong số đó, 9 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Với việc đàm phán, ký kết hàng loạt các FTA này, Việt Nam đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, được các đối tác đánh giá rất cao. Các FTA này hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, về những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho Việt Nam.
Tuy nhiên, trong hoạt động tiêu chuẩn hóa, xu thế thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn ngày càng sâu rộng phù hợp với các nguyên tắc cơ bản, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO cũng như cam kết mở trong các FTA thế hệ mới, đòi hỏi cho phép khu vực tư nhân tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, đặc biệt khi Nghị định số 78/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2007/NĐ-CP quy định một số vấn đề mới theo đó phải có những hướng dẫn, quy định cụ thể hơn để giúp các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có cơ sở pháp lý vững chắc triển khai thực hiện trong thực tế.
Các nội dung mới trong Thông tư sửa đổi Thông tư 21 tập trung giải quyết các bất cập trong công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định TCVN từ các Bộ quản lý chuyên ngành. Xem xét quy định hiện hành, điều chỉnh cơ chế, xây dựng phương thức rút gọn trong xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia trong những trường hợp cụ thể, tách bạch và làm rõ vị trí, vai trò của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia (Tổng cục TCĐLCL), Hội đồng thẩm định TCVN với các đơn vị sự nghiệp kỹ thuật, các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia liên quan. Ngoài ra, một số nội dung mới trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở nhằm, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, đề cao nguyên tắc ban kỹ thuật trong xây dựng tiêu chuẩn, điều chỉnh nội dung thẩm định hồ sơ TCVN cũng được bổ sung, cập nhật quy định trong văn bản quy phạm pháp luật mới và thực tiễn triển khai.
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 21 là một yêu cầu cấp thiết để giải quyết những bất cập trong xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, loại bỏ những biến tướng của áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với hoạt động tiêu chuẩn hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, phù hợp thông lệ quốc tế.
Phạm Thị Phương Thảo (Vụ Tiêu chuẩn)