Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm bảo hộ phòng dịch Covid-19
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Chủ Nhật, Tháng Năm 24, 2020 | 6:05 - Lượt xem: 1527
Thông tin này được ông Nguyễn Tiến, Trưởng Hợp phần kết nối thị trường, dự án USAIDS LinkSME, chia sẻ tại Hội thảo tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch diễn ra sáng 23/5 tại Hà Nội.
Ông Tiến cho biết, nhu cầu sản phẩm bảo hộ phòng dịch đã tăng gấp 20 lần do dịch COVID-19 và Việt Nam đang nổi lên là một trong những quốc gia hàng đầu cung cấp nhóm sản phẩm này.
Cụ thể, trước dịch COVID-19 thiết bị bảo hộ cá nhân (gọi chung là nhóm PPE) từ Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ khá khiêm tốn khi cả năm 2019 chỉ đạt 59 triệu USD.
Do nhu cầu chống dịch, nhu cầu sản phẩm PPE đã tăng khoảng 20 lần, quy mô thị trường sản phẩm PPE của thế giới tương đương 1.000 tỉ USD và Việt Nam đang nổi lên là một trong những nhà cung cấp hàng đầu. Ông Nguyễn Tiến – Trưởng Hợp phần kết nối thị trường, dự án USAIDS LinkSME |
Ông Tiến cho biết, nhà cung ứng sản phẩm PPE Việt Nam cũng gặp khá nhiều khó khăn khi nguyên vật liệu thiếu và phụ thuộc chính vào Trung Quốc, khả năng sản xuất trong nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, các sản phẩm của Việt Nam còn vấp phải những rào cản về tiêu chuẩn, chứng nhận như FDA, CE…
Tuy nhiên với những doanh nghiệp đã và đang sản xuất, xuất khẩu sản phẩm này, ông Tiến cũng cho biết nhiều doanh nghiệp chưa có đủ chứng nhận CE (tiêu chuẩn châu Âu) và FDA (tiêu chuẩn của Mỹ) để xuất khẩu, có những doanh nghiệp có chứng nhận thì tổ chức đánh giá lại chưa được công nhận rộng rãi toàn thế giới.
Ông Tiến cũng chỉ ra một số sai sót mà các doanh nghiệp xuất khẩu hàng PPE hay gặp phải, đó là chứng nhận không viết bằng tiếng Anh, chứng nhận, phương pháp thử theo tiêu chuẩn Việt Nam thay vì các tiêu chuẩn quốc tế, chứng nhận gửi ở dạng ảnh nhưng chất lượng ảnh không tốt, không chuyên nghiệp, không gửi kèm thông số chi tiết của sản phẩm…
Ông Tiến cũng nhấn mạnh về những sai sót của doanh nghiệp xuất khẩu PPE liên quan đến nhãn sản phẩm mà theo ông Tiến, đây chính là nguyên nhân khiến hơn 22% hàng hóa vị giữ lại ở Hoa Kỳ.
Đề cập đến hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam và Quy chuẩn kỹ thuật PPE, ông Phạm Quốc Bình, Chuyên gia đánh giá trưởng, Trung tâm Chứng nhận phù hợp QUACERT cho biết, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8389:2010 về Khẩu trang y tế ( gồm 3 phần: Khẩu trang y tế thông thường; Khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn; Khẩu trang y tế phòng độc hóa chất). Trong đó, khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn có tác dụng ngăn cản và diệt 99,9% vi khuẩn ngay trên bề mặt khẩu trang; Khẩu trang y tế phòng độc hóa chất có tác dụng lọc khí độc và hơi độc, tạo luồng khí sạch sau khi đi qua lớp lọc than hoạt tính; Khẩu trang y tế thông thường áp dụng cho khẩu trang y tế đã tiệt khuẩn và không tiệt khuẩn và tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7312: 2003 về phương tiện cá nhân bảo vệ cơ quan hô hấp – khẩu trang có tấm lọc bụi (khẩu trang vải).
Bên cạnh đó còn có các quy định về kỹ thuật như Quyết định 870-QĐ-BYT Hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn và Quyết định QĐ 1616-QĐ-BYT về Trang phục phòng dịch.
Theo đại diện của QUACERT, để đảm bảo chất lượng, năng lực sản xuất trang thiết bị phòng chống dịch các doanh nghiệp sản xuất cần phải lưu ý về các điều kiện sản xuất là phải áp dụng Hệ thống QLCL ISO 13485 từ 1/1/2020 và đối với các tổ chức chứng nhận phù hợp phải đảm bảo được yêu cầu đăng ký lĩnh vực hoạt động phù hợp theo yêu cầu của NĐ 107/2016.NĐ-CP. Tổ chức đánh giá sự phù hợp phải được công nhận bởi một trong số các tổ chức công nhận thuộc các diễn đàn công nhận quốc tế như IAF và có tham gia ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MLA).
Đối với những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) tiếp tục phối hợp với Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) hướng dẫn và tháo gỡ nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm PPE từ Việt Nam ra thế giới trong thời gian tới một cách hiệu quả.
Theo VietQ.vn