Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện QCVN về thép không gỉ
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Bảy 6, 2020 | 0:23 - Lượt xem: 2349
Theo Thông tư 15/2019/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 1/6/2020, các loại thép không gỉ cán phẳng dạng tấm, cán phẳng cuộn, dạng thanh đặc, dạng ống, dạng thanh định hình, dạng que hoặc dây… sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường phải áp theo QCVN 20:2019/BKHCN.
Kiến nghị đưa sản phẩm tiêu dùng bằng thép không gỉ vào diện quản lý
Trong văn bản gửi Bộ KH&CN, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành hàng thép không gỉ nêu: Phạm vi của QCVN 20:2019/BKHCN về thép không gỉ được ban hành kèm theo Thông tư 15 chưa bao gồm các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất từ thép không gỉ như: nồi, ấm, lưới quạt điện, khay, giá đỡ, tủ đựng tài liệu, bàn , ghế,… và thép hình như: ống tròn, thép hình hộp, thép góc…
Do đó, nếu không bổ sung các đối tượng sản phẩm này vào quản lý thì sản phẩm tiêu dùng được sản xuất từ thép không gỉ và sản phẩm thép hình kém chất lượng sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa sản phẩm sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh khẳng định sẽ nghiên cứu, xem xét một cách kỹ càng, nếu vướng mắc sẽ nghiên cứu tháo gỡ nhanh tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.
Theo các doanh nghiệp, việc nhập khẩu thép không gỉ hiện nay chủ yếu từ các nhà máy sản xuất của Trung Quốc theo tiêu chuẩn cơ sở của nhà máy. Chính điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khi không thể cạnh tranh được nguồn hàng từ Trung Quốc nhập sang.
Tại Việt Nam, các sản phẩm làm từ thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở đang chiếm phần lớn tỷ trọng của toàn thị trường thép không gỉ, không chỉ vì giá thành phù hợp với khả năng kinh tế của đại đa số người tiêu dùng và nền kinh tế Việt Nam, mà còn do loại thép này hoàn toàn phù hợp với đa số môi trường và mục đích sử dụng, ở những nơi mà điều kiện khí hậu và môi trường không nhất thiết phải dùng đến sản phẩm có giá thành cao hơn – các sản phẩm áp dụng tiêu chuẩn quốc gia.
Như vậy, việc chỉ cho phép lưu thông trên thị trường các chủng loại thép không gỉ đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực… mà dừng lưu thông các chủng loại thép không gỉ đáp ứng theo tiêu chuẩn cơ sở – không những làm mất đi tính đa dạng của các loại sản phẩm thép không gỉ để có thể đáp ứng đúng và đủ nhu cầu trong nước, làm mất khả năng cạnh tranh và xuất khẩu mặt hàng thép không gỉ của Việt Nam ra nước ngoài, mà còn làm thị trường thép không gỉ dạng nguyên liệu, thị trường các sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp làm từ thép không gỉ sẽ mất hẳn đi mảng sản xuất trong nước và chuyển sang nhập siêu từ Trung Quốc, Ấn Độ hay các quốc gia khác đang áp dụng đồng thời hai tiêu chuẩn chất lượng về thép không gỉ.
Theo các doanh nghiệp, hiện các nhà sản xuất thép không gỉ dạng nguyên liệu, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp đang phải dùng thép không gỉ làm nguyên liệu tại thị trường Việt Nam, hiện nay vẫn đang đủ năng lực và công nghệ để đáp ứng trên 90% nhu cầu về thép không gỉ trong nước, khi không có nguyên liệu đầu vào chắc chắn sẽ rất khó khăn.
Đối thoại doanh nghiệp, nắm bắt thông tin để tháo gỡ
Ngay sau khi nhận được phản ánh, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp thép không gỉ trong nước để làm rõ một số nội dung và giải đáp thắc mắc. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẳng định: Với phương diện là người làm chính sách thì bất kì quy định nào được đưa ra cũng nhằm mục đích tốt hơn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
“Chúng tôi sẽ rất lấy làm tiếc nếu chính sách được ban hành mà lại gây khó khăn cho doanh nghiệp chân chính. Chính vì thế Tổng cục sẵn sàng lắng nghe chia sẻ và giải đáp thắc mắc xung quanh QCVN 20:2019/BKHCN. Nếu thông tư 15 còn có chỗ chưa tốt thì sẽ xin tiếp thu để điều chỉnh, tháo gỡ ngay”, ông Linh nói.
Trong buổi đối thoại được đánh giá là cởi mở, phía Ban soạn thảo cũng cho biết khi xây dựng QCVN 20:2019/BKHCN, dự thảo quy chuẩn này cũng đã được gửi lấy ý kiến Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ để lấy ý kiến góp ý là 60 ngày theo quy định của pháp luật về Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, Quy chuẩn này cũng đã được thông báo cho các nước thành viên WTO theo quy định tại Hiệp định WTO/TBT.
Tại buổi đối thoại vấn đề nổi cộm được các doanh nghiệp chỉ ra đó là trong danh mục thép không gỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 20:2019/BKHCN, đã liệt kê mã HS của hầu hết các mặt hàng thép không gỉ (tấm, cuộn, dây, cây đặc thép không gỉ) nhưng không có mã HS của chủng loại thép không gỉ dạng ống tròn, hộp vuông, hộp chữ nhật – trong khi những chủng loại này lại đang được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường và cũng là sản phẩm được sản xuất nhiều nhất tại các nhà máy sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam.
Như vậy, khi Thông tư 15 có hiệu lực, khi tất cả các loại thép không gỉ tại Việt Nam đều phải áp dụng QCVN 20:2019/BKHCN thì riêng chủng loại ống, hộp thép không gỉ có tiêu chuẩn cơ sở sẽ vẫn được lưu thông trên thị trường. Đây sẽ là cơ hội vàng cho các nhà sản xuất ống, hộp thép không gỉ của Trung Quốc đưa hàng vào thị trường Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa sản phẩm sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu; gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước vì khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Đại diện các doanh nghiệp cũng khẳng định, việc ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thép không gỉ” là cần thiết nhưng phải đảm bảo yếu tố công bằng và bao quát hết tránh việc doanh nghiệp trong nước bị “siết” nguồn nguyên liệu còn hàng nhập khẩu vào Việt Nam lại chưa có quy chuẩn.
Tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định sẽ nghiên cứu, xem xét một cách kỹ càng. Nếu vướng mắc là đúng thì sẽ nghiên cứu tháo gỡ nhanh tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.
Buổi đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn khi thực hiện QCVN 20:2019/BKHCN của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Tại cuộc đối thoại, các doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng thực tế: tiêu chuẩn cơ sở của các nhà cung cấp như WUHAN, TsingSan cho các chủng loại hàng hóa đang được cung cấp vào thị trường Việt Nam như hàng thép không gỉ dạng cuộn: áp dụng tiêu chuẩn J1, J2, J3, WHJ4…; hàng thép không gỉ dạng dây: áp dụng tiêu chuẩn 669, CU200… so với TCVN 410; 409; 430 là tương đương, thậm chí còn cao hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành thép, thực tế thì 1 số chỉ tiêu hóa học của các loại tiêu chuẩn cơ sở này không đáp ứng được Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam cũng như Tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc. Ông Linh khuyến nghị các nhà nhập khẩu thép không rỉ của Việt Nam nên yêu cầu các nhà máy thép của Trung Quốc sản xuất thép cần nâng cao chất lượng, tối thiểu đáp ứng Tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc về thép.