Tham vấn ý kiến chuyên gia về Báo cáo Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Bảy 16, 2020 | 15:36 - Lượt xem: 1167

Ngày 15/7/2020, Viện Năng suất Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia góp ý về dự thảo Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tham dự Hội thảo có ông Arsyoni Buana- đại diện Tổ chức Năng suất châu Á (APO). Về phía Hàn Quốc có ông Song Chang Hong- Giám đốc Trung tâm Hợp tác phát triển – Viện phát triển Hàn Quốc (KDI) và các chuyên gia cao cấp của KDI. Về phía Việt Nam có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng- Phụ trách Viện Năng suất Việt Nam, bà Nguyễn Thu Hiền- Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam. Buổi Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Cục thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ, Viện Chiến lược phát triển- Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ… và lãnh đạo các đơn vị, phòng ban của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Viện Năng suất Việt Nam.

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Phát biểu khai mạc, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ về quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo; đặc biệt nhấn mạnh APO đang hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng Tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất quốc tế và kế hoạch xây dựng Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam- 1 trong 5 trung tâm xuất sắc của APO. Thông qua hội thảo, ông cũng mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách để Việt Nam hoàn thiện dự thảo kế hoạch đang được APO hỗ trợ triển khai.

Tại Hội thảo trực tuyến, các chuyên gia từ Viện nghiên cứu Hàn Quốc (KDI) đã trình bày tổng quan về một số nội dung chính như phân tích và đánh giá các yếu tố tác động tới năng suất, tiềm năng để tăng năng suất của Việt Nam dựa trên 1 số khía cạnh như tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập với nền kinh tế toàn cầu… Đặc biệt, chuyên gia của KDI đã tập trung nhấn mạnh bốn thách thức chính Việt Nam cần nỗ lực cải thiện để nâng cao năng suất ở bình diện quốc gia trong giai đoạn sắp tới đó là: KHCN và đổi mới sáng tạo; hiệu quả hoạt động của DN nhà nước; mối liên kết giữa DN nội địa và DN có vốn đầu tư nước ngoài và hệ thống giáo dục nghề nghiệp của VN.

Sau khi lắng nghe trình bày từ các bên, các chuyên gia đánh giá cao Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bà Đặng Thu Hoài- Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đánh giá cao sáng kiến xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo và ý nghĩa thực tiễn của Kế hoạch đối với việc tham mưu hoạch định chính sách, nâng cao năng suất dựa trên ứng dụng CN và đổi mới sáng tạo ở VN trong giai đoạn sắp tới.

Là một trong những chuyên gia tham dự, ông Trần Đức Phương – Cục thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia nhận thấy Kế hoạch có hàm lượng khoa học cao, đặc biệt là đối với thách thức và trụ cột về KHCN và đổi mới sáng tạo đã chỉ rõ những mặt hạn chế mà VN đang gặp phải.

Cũng theo ông Phương, phát triển, ứng dụng KHCN và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là động lực chính góp phần nâng cao năng suất của VIệt Nam. Do đó, cần đưa ra được các chiến lược KHCN phù hợp để giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách về năng suất với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực, trên thế giới và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đặc biệt là tận dụng cơ hội trong cuộc cách mạng CN lần thứ 4.

Theo bà Phùng Lê Khanh, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động là một trong những vấn đề được Chính phủ quan tâm trong phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, các giải pháp trọng tâm là cải thiện môi trường giáo dục nghề nghiệp theo hướng tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và xây dựng các chương trình đào tạo lý thuyết và đào tạo kỹ năng một cách cân bằng để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

TS. Nguyễn Hữu Khánh đã có ý kiến góp ý liên quan đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh góp ý về việc cần cập nhật dữ liệu mới nhất về các thông tin liên quan đến doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, ông cũng đã đề cập đến Kế hoạch thành công trong việc đưa ra được 1 số nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam cần thực hiện để cải thiện hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, ví dụ như cần giải pháp căn cơ để cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước theo hướng hiệu quả, minh bạch và chuyên nghiệp bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững và tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn từ bên ngoài.

Kết thúc Hội thảo, phía chuyên gia Hàn Quốc cũng như Viện Năng suất cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến góp ý quý báu của các chuyên gia và dựa trên những đóng góp đó để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2020.

 Bà Nguyễn Thu Hiền- Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. 

Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đề ra mục tiêu thu hẹp khoảng cách về năng suất với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, cũng như thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam đã đến lúc cần xây dựng một Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, trong đó, nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để tạo ra sự bứt phá về tăng năng suất và tăng trưởng bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Gần đây nhất, Chỉ thị 07/CT-TTg, ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 10 năm 2020.

Mai Linh – VNPI