Tham vấn hỗ trợ kỹ thuật xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Năm 24, 2024 | 15:46 - Lượt xem: 592
Ngày 24/5/2024, được sự đồng ý của Văn phòng Dịch vụ Dự án thuộc Liên Hợp Quốc (UNOPS), Quỹ Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), các đơn vị liên danh triển khai chương trình đã tổ chức buổi họp tham vấn đầu tiên trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Tham dự cuộc họp có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (theo hình thức trực tuyến), ông John Robert Cotton – Quản lý Chương trình cấp cao ETP-UNOPS (theo hình thức trực tuyến); ông Joost Starmans – Chuyên gia điện gió ngoài khơi, đại diện Pondera Việt Nam; ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn; ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường; ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục TCĐLCL; ông Vũ Văn Diện – Chuyên gia tiêu chuẩn, Phó trưởng dự án “Xây dựng và phát triển bộ tiêu chuẩn về Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam” cùng đại diện các Bộ, ban, ngành, doanh nghiệp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại cuộc họp tham vấn.
Phát biểu tại cuộc họp tham vấn, ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, phát triển tiêu chuẩn toàn diện cho điện gió ngoài khơi và các quy định đo lường chất lượng của Việt Nam là bước quan trọng thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam; đóng góp cho việc triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho điện gió ngoài khơi với sự tham gia tích cực và chặt chẽ của các bên liên quan đóng vai trò rất quan trọng, bao gồm Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải… cùng các cơ quan liên quan như doanh nghiệp, viện nghiên cứu.
“Cuộc họp với mục tiêu xây dựng điều kiện cho các bên liên quan trao đổi, thảo luận; có những đóng góp quan trọng để đảm bảo sự toàn diện và khả năng áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và bối cảnh của Việt Nam”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Ông John Robert Cotton – Quản lý Chương trình cấp cao ETP-UNOPS.
Phát biểu tại hội thảo, ông John Robert Cotton – Quản lý Chương trình cấp cao ETP-UNOPS cho biết, việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi góp phần thúc đẩy nhập khẩu, nội địa hóa sản xuất các sản phẩm liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế, đảm bảo chất lượng, an toàn cho các dự án điện gió ngoài khơi và là bước đi quan trọng giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong khuôn khổ buổi họp tham vấn, bà Phùng Thị Thu Hằng – Quản lý và Điều phối dự án OWP đã có bài trình bày với nội dung Giới thiệu tổng quan về dự án “Xây dựng và phát triển bộ tiêu chuẩn về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam”. Theo đó, với hơn 3000 km bờ biển rộng lớn sẽ tạo ra cơ hội đầy hứa hẹn để phát triển điện gió ngoài khơi, điều này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của đất nước một cách bền vững. Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của điện gió ngoài khơi là một trong những trọng tâm kinh tế của quốc gia tại Nghị quyết số 36/NQ-TW, 2018 và số 26/NQ-CP, 2020.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong triển khai các dự án điện gió trên bờ và gần bờ thời gian gần đây và cho đến nay vẫn chưa có dự án ngoài khơi nào đi vào hoạt động, tuy nhiên, Việt Nam đã thông qua mục tiêu đầy tham vọng là đạt 6 GW vào năm 2030 trong Quy hoạch phát triển điện VIII (PDP 8). Việc thiếu tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) dành riêng cho ĐGNK được xác định là một trong những rào cản đối với việc phát triển điện gió ngoài khơi. Dự án hỗ trợ kỹ thuật này có mục tiêu phát triển một bộ tiêu chuẩn quốc gia toàn diện về ĐGNK.
Cũng theo bà Hằng, rào cản hiện tại của việc thiếu tiêu chuẩn ĐGNK là các nhà phát triển dự án phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và phải thực hiện thủ tục chấp thuận áp dụng tiêu chuẩn quốc tế này đáp ứng yêu cầu quy định. Tình trạng này tiềm ẩn khả năng dẫn đến sự khác biệt về tiêu chí kỹ thuật thiết kế giữa các chủ đầu tư và dự án khác nhau, gây ra những thách thức và trở ngại đáng kể cho cơ quan chuyên môn có thẩm quyền của Nhà nước trong nỗ lực thẩm định hồ sơ thiết kế theo đúng quy định. Vì vậy, rất cần có bộ tiêu chuẩn quốc gia toàn diện về ĐGNK được áp dụng để thuận lợi cho quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế.
Mục tiêu chính của dự án này là phát triển bộ tiêu chuẩn quốc gia toàn diện về ĐGNK theo các quy định nhằm tuân thủ quy trình của Chính phủ về xây dựng và phê duyệt các tiêu chuẩn quốc gia do Bộ KH&CN ban hành. Dự án là sáng kiến của ETP phối hợp với STAMEQ.
Các đại biểu trình bày tham luận tại cuộc họp tham vấn.
Chia sẻ về sự cần thiết của TCVN cho ĐGNK, bà Hằng cho hay, ĐGNK được phân loại là các hoạt động phát triển dự án có thể ảnh hưởng đến an toàn và lợi ích cộng đồng. Việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài đặt ra thách thức không nhỏ cho cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế do tiềm ẩn: Sự khác biệt với điều kiện tự nhiên và khung quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; Sự khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế giữa các nhà phát triển và dự án khác nhau.
TCVN dành cho ĐGNK đóng vai trò là tài liệu tham khảo cho nhà đầu tư, cơ quan chức năng trong quá trình xin giấy phép, thẩm định, nghiệm thu dự án; Hướng dẫn dành cho nhà thiết kế, nhà cung cấp, người mua, người vận hành và cơ quan quản lý trong việc phát triển, triển khai và vận hành các nhà máy ĐGNK.
Bộ tiêu chuẩn toàn diện về ĐGNK sẽ đảm bảo chất lượng đồng nhất các dự án ĐGNK, đảm bảo an toàn và lợi ích cộng đồng; Đảm bảo tiêu chuẩn hóa và bảo vệ các khoản đầu tư, công trình và hoạt động trong các dự án ĐGNK. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng đáng tin cậy và hiệu quả; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai năng lượng tái tạo ở Việt Nam như dự kiến trong Quy hoạch phát triển điện lực VIII (PDP8) và góp phần đạt được cam kết không phát thải ròng.
Các đại biểu chủ trì phiên thảo luận.
Cũng tại buổi họp tham vấn, ông Joost Starmans – Chuyên gia điện gió ngoài khơi, đại diện Pondera Việt Nam trình bày tham luận với nội dung “Tổng quan về các yêu cầu, tiêu chuẩn áp dụng hiện hành đối với OWP ở Việt Nam và Quốc tế (5 nước)”; Tiến sĩ Vũ Văn Diện – Chuyên gia tiêu chuẩn, Phó trưởng dự án đã có bài trình bày với nội dung “Quy trình và phương pháp xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN)”.
Tại buổi họp tham vấn đã diễn ra phiên thảo luận, trao đổi ý kiến giữa các đại biểu tham dự.
Buổi họp tham vấn thu hút đông đảo đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Sự cần thiết và tính cấp bách của chương trình đã và đang triển khai xây dựng và dự kiến ban hành 20 tiêu chuẩn điện gió ngoài khơi. Đây sẽ là cơ sở để thúc đẩy Quy hoạch Phát triển Điện 8 (PDP VIII) và đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Hà My