TCVN ISO 39001:2014: Giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Một 4, 2021 | 11:07 - Lượt xem: 2052
Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Thế giới (ISO) đã ban hành Tiêu chuẩn ISO 39001:2012, được công bố tại Việt Nam với tên gọi TCVN ISO 39001:2014-Hệ thống quản lý An toàn Giao thông Đường bộ, nhằm giúp cho các tổ chức giảm thiểu, và hướng đến loại bỏ hoàn toàn, các tai nạn liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ.
Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 đưa ra các yêu cầu có tính hài hòa, dựa trên các kinh nghiệm của nhiều nước và Tổ chức quốc tế về giảm thiểu tai nạn giao thông, có thể áp dụng được cho mọi quốc gia để hỗ trợ cho các tổ chức có liên quan đến việc điều hành, thiết kế hoặc vận hành và tham gia giao thông đường bộ. Mục đích của tiêu chuẩn là đưa ra công cụ giúp các tổ chức giảm bớt, cuối cùng là loại bỏ rủi ro tử vong và thương tật nặng liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ.
Về tổng thể, tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 giúp cho tổ chức thực thi hiệu quả hệ thống quản lý an toàn giao thông của mình, nhưng không đưa ra các yêu cầu cụ thể về mặt kỹ thuật hoặc chất lượng của các sản phẩm hoặc dịch vụ giao thông vận tải. Tiêu chuẩn yêu cầu tổ chức phải thực thi một chuỗi các biện pháp như thông qua Chính sách về đảm bảo an toàn giao thông, chỉ định người có trách nhiệm theo dõi sự tuân thủ chính sách này, thông qua vai trò và trách nhiệm của tổ chức, hoạch định các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông, xác định các tình huống khẩn cấp, cách ứng phó với các tình huống này, tiến hành điều tra đối với các tình huống xảy ra tai nạn, đề xuất các phương án cải tiến.
Ông Trần Quốc Dũng – Phó giám đốc Trung tâm Quacert chia sẻ tại Hội thảo “Phổ biến hướng dẫn áp dụng hệ thống Quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN 39001:2014”
Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 có thể áp dụng được cho bất cứ tổ chức nào, không phụ thuộc vào loại hình, quy mô, sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp, nhằm cải thiện hiệu quả về an toàn giao thông đường bộ của tổ chức. Tuy nhiên, hệ thống quản lý an toàn giao thông sẽ hiệu quả hơn đối với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải, tham gia xây dựng và quản lý hệ thống giao thông đường bộ, các chủ đầu tư các công trình giao thông đường bộ.
Việt Nam đang phát triển khá nhanh nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế và đời sống xã hội, nhưng lĩnh vực giao thông thì dường như chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của đất nước. Hiện nay, tai nạn giao thông do không tuân thủ các quy định liên quan an toàn giao thông ở nước ta ở mức cảnh báo, để lại tác hại vô cùng to lớn trước mắt và lâu dài. Tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực giao thông đường bộ, chiếm phần lớn số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cả nước.
Tuy nhiên, nhà nước không thể đơn phương làm giảm tử vong và thương tật, các tổ chức ở mọi loại hình và quy mô, cũng như từng người sử dụng đường bộ đều có vai trò nhất định. Kinh nghiệm trên thế giới chỉ ra rằng có thể giảm mạnh tử vong và thương tật nặng thông qua việc chấp nhận phương pháp tiếp cận hệ thống an toàn toàn diện cho an toàn giao thông đường bộ. Việc này bao gồm sự tập trung một cách rõ ràng, minh bạch vào kết quả an toàn giao thông đường bộ và các hành động dựa trên bằng chứng, được hỗ trợ bởi năng lực quản lý của tổ chức, doanh nghiệp.
Việc thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam là nền tảng rất quan trọng giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân người tham gia giao thông nhận thức được vai trò của an toàn giao thông đường bộ và thông qua đó, chúng ta sẽ có những hoạt động cụ thể cho công tác quản lý an toàn giao thông như quản lý con người, phương tiện ngay bên trong doanh nghiệp. Khi áp dụng tiêu chuẩn này, các tổ chức và doanh nghiệp có khả năng nhận diện các yếu tố thực hành tốt quản lý an toàn giao thông đường bộ, giúp đạt được kết quả mong muốn về an toàn giao thông đường bộ, đưa ra các công cụ giảm bớt và cuối cùng là loại bỏ rủi ro tử vong và thương tật nặng liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ.
Từ năm 2017, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã ký biên bản hợp tác thúc đẩy việc áp dụng hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, với mục tiêu là giảm thiểu tử vong và thương tật nặng trong tai nạn giao thông đường bộ và nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, đáp ứng lộ trình áp dụng Chiến lược quốc gia về “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Để đảm bảo năng lực cho việc thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn như trên, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tiêu chuẩn quản lý an toàn giao thông đường bộ, rất cần thiết phải xây dựng đội ngũ chuyên gia cấp quốc gia trong các hoạt động tư vấn và đánh giá theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014; xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ cũng như xây dựng tổ chức chứng nhận có đầy đủ năng lực chứng nhận cho các đơn vị đã áp dụng thành công tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014.
Xuất phát từ nhu cầu đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/05/2010, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã triển khai chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng SPHH của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” với việc hỗ trợ kinh phí tư vấn, đào tạo, hướng dẫn, chứng nhận các hệ thống, công cụ quản lý từ nguồn ngân sách cho các doanh nghiệp. Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thực hiện nhiệm vụ “Thúc đẩy áp dụng Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam” với các nội dung:
Xây dựng tài liệu và phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo TCVN ISO 39001:2014 cho các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam tại 3 miền Bắc – Trung – Nam;
Xây dựng tài liệu và triển khai đào tạo tăng cường năng lực cho đội ngũ chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ trên cả nước;
Xây dựng chương trình chứng nhận hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ phù hợp với chuẩn mực quốc tế cho các tổ chức chứng nhận;
Lựa chọn, xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng thành công hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ, các mô hình thí điểm được đảm bảo tính đa dạng như các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư phát triển đường cao tốc; tư vấn thiết kế giao thông vận tải; vận tải đường bộ; các đơn vị có hoạt động tương tác với hệ thống giao thông đường bộ…
Nhiệm vụ “Thúc đẩy áp dụng Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam” được thực hiện, dự kiến sẽ có 300 tổ chức/doanh nghiệp tại 03 miền Bắc Trung Nam được phổ biến, hướng dẫn áp dụng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014. Xây dựng được 01 bộ tài liệu đào tạo cho chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ; 01 bộ quy trình thủ tục cho chương trình chứng nhận hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ phù hợp với các chuẩn mực quốc tế (được đánh giá xác nhận bằng phương pháp chuyên gia);
60 chuyên gia được đào tạo nâng cao trình độ tư vấn, đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ (có kiểm tra, đánh giá cấp chứng chỉ) và 10 tổ chức, doanh nghiệp được hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo TCVN ISO 39001:2014.
Trần Thị Ngọc Anh – QUACERT