TCVN ISO 18091: Giúp chính quyền địa phương hiểu và thực hiện HTQLCL đáp ứng nhu cầu

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Sáu 9, 2023 | 9:54 - Lượt xem: 921

Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 mang lại sự phát triển bền vững cho chính quyền địa phương thông qua 04 trụ cột với 39 chỉ số.

Chia sẻ tại Hội thảo hoàn thiện dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg và phổ biến tiêu chuẩn ISO 18091:2019, ông Lê Minh Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay, tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 – Hệ thống quản lý chất lượng được ban hành kèm theo Quyết định số 4004/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2020. Tiêu chuẩn này tương đương với ISO 18091:2019 và thay thế cho TCVN ISO 18091:2015. Nguyên tắc tiếp cận của tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 bao gồm 7 nguyên tắc quản lý chất lượng, nguyên tắc tiếp cận theo quá trình, chu trình P-D-C-A và tư duy dựa trên rủi ro.

Cấu trúc trình bày của tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 bao gồm: Lời nói đầu; Lời giới thiệu; Các điều khoản từ 1-10 của TCVN ISO 9001:2015 được đóng khung để phân biệt với các hướng dẫn chi tiết được đưa ra cho từng điều; Phụ lục A: Công cụ đánh giá quản lý chất lượng tổng thể cho chính quyền địa phương; Phụ lục B: Các quá trình quản lý chất lượng tổng thể; Phụ lục C: Cơ chế tham gia toàn diện của công dân; Phụ lục D: Mối quan hệ giữa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, các hệ thống đo lường, quản lý khác và tiêu chuẩn này.

Đối tượng của ISO 18091:2020 là chính quyền địa phương (Chính quyền cấp tỉnh/thành phố; cấp quận/huyện; cấp xã/phường/thị trấn), phạm vi áp dụng cho tất cả quá trình của chính quyền địa phương ở mọi cấp nhằm hình thành một hệ thống quản lý chất lượng toàn diện; TCVN ISO 18091:2020 áp dụng cho các cấp chính quyền địa phương đối với các sản phẩm/dịch vụ do chính quyền cung cấp cho khách hàng/công dân.

Ảnh minh họa.

Cũng theo ông Tâm, một số nội dung mới của TCVN ISO 18091:2020 là tiêu chuẩn giúp kết nối các khái niệm và nguyên tắc về QLCL được nêu trong TCVN ISO 9000, TCVN ISO 9001, TCVN ISO 9004. Trong đó, sự phù hợp với TCVN ISO 9001 không nên được coi là mục tiêu cuối cùng; Chính quyền địa phương xem xét sử dụng TCVN ISO 9004 và/hoặc các mô hình hoàn hảo khác để cải tiến hiệu lực, hiệu quả tổng thể của chính quyền.

Nội dung thứ hai là áp dụng phương pháp tự đánh giá thông qua thang biểu thị màu sắc: màu bạch kim thể hiện cho thực hành tốt, màu xanh lá thể hiện cho mức thực hành có thể chấp nhận được, màu vàng thể hiện dưới mức thực hành có thể chấp nhận được, màu đỏ thể hiện mức thực hành không thể chấp nhận được;

Nội dung thứ ba là tất cả điều khoản của Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 được đóng khung để phân biệt với các hướng dẫn và diễn giải chi tiết cho từng điều;

Nội dung thứ tư là phụ lục A: Công cụ đánh giá quản lý chất lượng tổng thể cho chính quyền địa phương (39 chỉ số quản lý chính sách công được chia thành 04 nhóm chủ đề chính);

Nội dung thứ năm là phụ lục B: Các quá trình quản lý chất lượng tổng thể; Nội dung thứ sáu là phụ lục C: Cơ chế tham gia toàn diện của công dân; Nội dung thứ bảy là phụ lục D: Mối quan hệ giữa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, các hệ thống đo lường và quản lý khác và tiêu chuẩn này.

Vai trò và lợi ích của Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020, đối với hoạt động quản lý của chính quyền địa phương, tiêu chuẩn giúp chính quyền địa phương hiểu và thực hiện HTQLCL đáp ứng nhu cầu, mong đợi của tổ chức, cá nhân có liên quan về một chính quyền địa phương cung cấp sản phẩm/dịch vụ công chất lượng cao. Giúp lãnh đạo cao nhất của chính quyền địa phương xác định mức độ hoạt động và nhận biết các khu vực cần cải tiến, phù hợp với trách nhiệm/quyền hạn và mục tiêu. Hướng tới xây dựng chính quyền địa phương tin cậy, minh bạch có trách nhiệm với cộng đồng dân cư và hướng tới các mục tiêu về phát triển bền vững của Quốc gia và quốc tế.

Đối với khách hàng/công dân, các bên quan tâm, khách hàng/công dân được tiếp nhận sản phẩm/dịch vụ công của chính quyền ở mức độ chất lượng cao; Duy trì và nâng cao lòng tin của công dân đối với chính quyền thông qua việc cam kết xây dựng cộng đồng địa phương bền vững và có trách nhiệm xã hội; Các bên quan tâm có liên quan với HTQLCL của  hính quyền được nhận biết và phân tích nhằm đáp ứng các nhu cầu, mong đợi.

Chia sẻ thêm về lộ trình triển khai áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 và một số thông tin triển khai, ông Tâm cho biết, lộ trình gồm 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1: Chuẩn bị triển khai và phổ biến kiến thức cơ bản về TCVN ISO 18091:2020; Giai đoạn 2: Tổ chức tự đánh giá QLCL tổng thể theo phụ lục A TCVN ISO 18091:2020; Giai đoạn 3: Họp xem xét kết quả tự đánh giá và phê duyệt chương trình hành động về cải thiện các nhóm chỉ số và cải tiến HTQLCL; Giai đoạn 4: Thực hiện chương trình hành động, theo dõi, kiểm tra xác nhận; Giai đoạn 5: Báo cáo định kỳ và duy trì cải tiến HTQLCL.

Trên thế giới: Hà Lan, Nhật, Philippines, Peru… đã triển khai áp dụng Tiêu chuẩn với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Theo đó, ở Philippines, Thành phố ORMOC áp dụng ISO 18091 trong 6 năm cho các mục tiêu về an ninh ma túy và chiến lược ứng phó với COVID-19…; Ở Peru áp dụng cho một số thành phố tự trị với việc công nhận quốc tế về ISO 18091 thông qua các cấp độ: Cấp đồng; Cấp bạc; Cấp vàng; Cấp bạch kim.

Tại Việt Nam, Tổng cục TCĐLCL thành lập Tổ công tác triển khai áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 tại các địa phương và đang trong quá trình nghiên cứu, triển khai áp dụng thí điểm. Trong năm 2023, theo chương trình phối hợp giữa UBND TP.Hải Phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ triển khai áp dụng thí điểm TCVN ISO 18091:2020.

theo VietQ