Tăng năng suất thông qua hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Cơ hội tạo ra ‘kỳ tích’

Chủ Nhật, Tháng Một 26, 2020 | 21:42

Việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất đem đến những cải cách công nghệ mang tính đột phá và cho cơ hội tạo ra “kỳ tích” trong sản xuất và tăng năng suất thông qua xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.


Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL trả lời phỏng vấn của Chất lượng Việt Nam.

Thưa ông, Báo cáo Năng suất Việt Nam đã khắc họa bức tranh tổng thể về năng suất Việt Nam 2018. Vậy, điểm sáng nào nổi bật nhất trong những năm qua?

Ông Hà Minh Hiệp: Năm 2018 năng suất lao động (NSLĐ) toàn nền kinh tế ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động. Bên cạnh đó, tốc độ tăng năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2018 là 5,93%, trong khi đó, bình quân giai đoạn 2016-2018, NSLĐ tăng 5,77%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 4,35%/ năm của giai đoạn 2011-2015. Về cơ bản, kết quả này đạt mục tiêu NSLĐ bình quân hằng năm đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW. Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP), đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt 43,5%, bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 43,29%, cao hơn khá nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Hiện tại, Việt Nam đang có tốc độ tăng NSLĐ cao nhất khối ASEAN. Sau 18 năm, từ 2000 đến 2018, mức NSLĐ của Việt Nam tăng gấp ba lần và khoảng cách với các nước dẫn đầu đã được thu hẹp dần. Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam vẫn con thấp hơn nhiều quốc gia ở châu Á.

Năng suất ngành kinh tế đang rất được quan tâm, vậy năng suất trong lĩnh vực này đang thay đổi ra sao và điều đó quan trọng như thế nào trong bài toán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, thưa ông?

Ông Hà Minh Hiệp: Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò quan trọng vào tăng NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn dư địa để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nhằm tăng NSLĐ. Tuy nhiên, xu hướng này không thể kéo dài khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, cơ cấu kinh tế ổn định sẽ làm giảm đáng kể dư địa cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang trở nên hiện hữu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, ông nhận định như thế nào về xu thế tác động đến tăng năng suất?

Ông Hà Minh Hiệp: Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, khi cả thế giới nói nhiều về những hệ thống máy móc, thiết bị thông minh, sản xuất thông minh, quản trị thông minh,… thì KHCN và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng hơn và là động lực chính thúc đẩy tăng năng suất, phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn hiện nay. Rõ ràng, đẩy mạnh tiến bộ KH&CN, đầu tư cho đổi mới sáng tạo sẽ thay đổi cách thức làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới có chất lượng và giá trị cao hơn. Nói khác đi, KHCN và đổi mới sáng tạo mới giúp doanh nghiệp thực hiện những công đoạn của quá trình sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tạo ra NSLĐ lớn hơn.

“Do đó, để cải thiện NSLĐ lên mức cao hơn và bắt kịp các quốc gia về NSLĐ nhanh hơn, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa và tập trung nâng cao NSLĐ trong các doanh nghiệp, qua đó chuyển dần theo xu hướng mới và phổ biến ở các nền kinh tế tiên tiến, đó là yếu tố tăng năng suất nội ngành đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng năng suất của nền kinh tế.”

Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp

Có quan điểm cho rằng, quản lý năng suất thành công chính là chìa khóa cho sự sống còn của một tổ chức, doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Hà Minh Hiệp: Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Những năm gần đây, hoạt động của doanh nghiệp đã có bước phát triển đột phá, góp phần phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế xã hội, góp phần quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, NSLĐ doanh nghiệp là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Để doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò chủ lực của nền kinh tế và là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thì doanh nghiệp cần lấy hoạt động quản lý năng suất là chìa khóa và đòn bẩy để tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.

Bốn trụ cột trong hoạt động quản lý năng suất doanh nghiệp cần tập trung phát triển đó là: Cải tiến năng suất trở thành mục tiêu dài hạn, người lao động là động lực để cải tiến, ghi nhận nỗ lực và chia sẻ thành quả, thiết lập chương trình cải tiến năng suất tại doanh nghiệp.


Đầu tư cho đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị và chất lượng cao hơn.
Một xu hướng mới được mở ra cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam là thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp để tạo đột phá về năng suất. Theo ông, Việt Nam sẽ có hướng đi như thế nào để bắt kịp xu hướng này một cách hiệu quả?

Ông Hà Minh Hiệp: Cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo để tồn tại và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc CMCN 4.0. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp buộc phải thay đổi không chỉ nhằm thúc đẩy năng suất mà còn là yêu cầu bắt buộc của nhiều doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển trên thị trường. Tư duy về sáng tạo và đổi mới đã có, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công. Một doanh nghiệp có thể lựa chọn cách thức đổi mới: Tự mình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, công nghệ mới, hoặc đưa vào ứng dụng có điều chỉnh một cách hiệu quả các phương pháp và công nghệ mới.

Để bắt nhịp xu hướng này một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần chủ động và tích cực quan tâm, thực hiện một số giải pháp như: Đánh giá liên tục nhu cầu của khách hàng và thị trường; Luôn so sánh doanh nghiệp mình với các doanh nghiệp cạnh tranh và doanh nghiệp thành công khác; Đặt mục tiêu cho các đổi mới và cải tiến. Để có thể đi đúng hướng, chính nó cần có một mục tiêu đổi mới rõ ràng trước khi bắt đầu cuộc hành trình. Đổi mới nên là một phần và phù hợp với các mục tiêu chiến lược tổng thể của tổ chức.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Hà Thủy/ Vietq.vn