Tăng cường ứng dụng KH&CN trong thanh kiểm tra: “Giải pháp thực chất”
Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Năm 20, 2025 | 4:24 - Lượt xem: 108
Công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những công cụ trọng yếu để phát hiện, xử lý vi phạm, ngăn ngừa tiêu cực và bảo vệ trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước.
Trong giai đoạn hiện nay, khi chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng và khoa học – công nghệ ngày càng trở thành nền tảng vận hành bộ máy hành chính, việc ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học và công nghệ vào lĩnh vực thanh tra, kiểm tra là yêu cầu bắt buộc, mang tính sống còn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm tính công minh, khách quan, chính xác trong hoạt động thực thi pháp luật.

Thanh kiểm tra cột bơm xăng dầu. Ảnh ST
Triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2024 của Chính phủ, nhiều bộ, ngành và địa phương nói chung, trong đó có Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Ủy ban) đã nghiêm túc đẩy mạnh số hóa hoạt động thanh tra, kiểm tra, từng bước chuyển đổi từ mô hình làm việc thủ công, phân tán sang phương thức điện tử, dữ liệu hóa và kết nối liên thông. Chính phủ đã nhấn mạnh rõ: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật để phòng ngừa vi phạm, nâng cao năng lực xử lý và bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính.”
Thực tế cho thấy, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ lưu trữ điện toán đám mây (Cloud) đã và đang hỗ trợ đắc lực trong việc phát hiện sớm dấu hiệu vi phạm, khoanh vùng rủi ro, giúp lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, qua đó tiết kiệm nguồn lực, tránh thanh tra, kiểm tra tràn lan, hình thức hoặc trùng lặp.
Tại Hội nghị sơ kết công tác thanh tra, đại diện Thanh tra Chính phủ đã nhấn mạnh: “Nếu không đổi mới tư duy, phương pháp và công cụ làm việc thì hoạt động thanh tra sẽ không theo kịp yêu cầu phát triển, không đủ sức ngăn chặn vi phạm, tiêu cực và sẽ trở thành lực cản đối với cải cách hành chính.”. Do vậy, yêu cầu bắt buộc đối với công chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn hiện nay để bảo đảm thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo các cấp cần thực hiện các yêu cầu sau:
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chuyển đổi số
Không nên xem việc ứng dụng công nghệ là nhiệm vụ “thêm”, mà phải xác định đây là phương tiện bắt buộc để thực hiện chức năng thanh tra trong thời kỳ mới. Việc chậm thích ứng, né tránh học hỏi hoặc làm đối phó cần bị xử lý nghiêm theo quy định của cơ quan, đơn vị.
- Chủ động nắm bắt, sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ thanh tra hiện đại
Xây dựng hệ thống quản lý kế hoạch thanh tra, kiểm tra điện tử, phần mềm theo dõi tiến độ thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, công cụ tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị trực tuyến để góp phần tăng tính minh bạch, hiệu quả và giám sát chặt chẽ hoạt động thanh tra, kiểm tra tại đơn vị. Các công chức cần làm chủ công cụ phân tích dữ liệu phục vụ khoanh vùng rủi ro, hỗ trợ đánh giá khách quan và minh bạch trong toàn bộ quá trình thanh tra, kiểm tra.
- Tuân thủ nghiêm quy trình, trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra trên nền tảng số
Mọi bước đi từ lập kế hoạch đến kết luận, kiến nghị, theo dõi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra phải đảm bảo minh bạch, có căn cứ dữ liệu và đúng thời hạn. Nghiêm cấm việc thực hiện thanh tra không đúng quy trình, thiếu hồ sơ điện tử hoặc không cập nhật dữ liệu lên hệ thống quản lý dùng chung.
- Tăng cường phối hợp liên ngành và chia sẻ dữ liệu theo quy định
Công chức thanh tra, kiểm tra cần phối hợp hiệu quả với các đơn vị liên quan để bảo đảm không bỏ sót vi phạm, tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo, đồng thời nâng cao năng lực phát hiện gian lận, tham nhũng.
- Thực hiện nghiêm công tác giải trình, công khai và phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra
Kết luận thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm chặt chẽ, có căn cứ pháp lý rõ ràng, tránh tùy tiện áp dụng pháp luật. Việc chậm ban hành kết luận, né tránh trách nhiệm hoặc cố tình lờ đi sai phạm là hành vi bị nghiêm cấm và cần xử lý nghiêm minh.
Thanh tra, kiểm tra là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến kỷ cương hành chính, lòng tin của nhân dân và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Vì vậy, việc đổi mới công tác này trên nền tảng khoa học, công nghệ và dữ liệu số không phải là lựa chọn, mà là nhiệm vụ bắt buộc, có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của tiến trình cải cách thể chế và xây dựng nền hành chính hiện đại.
Nguyễn Thành Dũng, Ban Pháp chế – Thanh tra