Tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc – Mấu chốt tăng trưởng xuất khẩu bền vững

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Bảy 15, 2019 | 14:08 - Lượt xem: 1309

Trong các tháng đầu năm nay, xuất khẩu đều tăng trưởng nhưng chưa thực sự bền vững. Quản lý tốt truy xuất nguồn gốc sẽ giúp xuất khẩu tăng trưởng bền vững.

Tăng trưởng chưa thực sự bền vững

Trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 122,42 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc – Mấu chốt tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Ảnh minh họa 

Xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả khả quan chủ yếu là nhờ vào đà tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò đầu tàu xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019 với kim ngạch đạt 102,25 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm tới 83,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Mặc dù xuất khẩu trong 6 tháng đầu 2019 tăng 7,1% so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 16,4% của cùng kỳ năm 2018 so với năm 2017. Đáng chú ý, xuất khẩu tăng trưởng chưa chưa thực sự bền vững. Cán cân thương mại chưa ổn định. Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như biến động của giá cả thị trường thế giới, gia tăng các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của nhóm công nghiệp chế biến đều tăng so với cùng kỳ năm 2018 như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,8%, đạt 23,5 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,9%, đạt 15,5 tỷ USD; dệt may tăng 9,9%, đạt 15,04 tỷ USD; giày, dép các loại tăng 14,2%, đạt 8,81 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17,7%, đạt 4,87 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 6,3%, đạt 8,22 tỷ USD…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chất lượng hàng hóa nông sản, thủy sản mặc dù đã được chú trọng cải thiện nhưng chưa đồng đều, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm còn hạn chế, một số mặt hàng xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm, cạnh tranh gia tăng,… dẫn đến bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong định giá xuất khẩu và gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Theo thống kê, giá xuất khẩu gạo đã giảm tới 15,1% so với cùng kỳ năm 2018, cà phê giảm 11,7%, cao su giảm 6%.

Đặc biệt, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại khi kể từ tháng 5/2019, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu. Tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói…Danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc.

Tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc

Tín hiệu vui là xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong những tháng đầu năm 2019 đã vươn lên mạnh mẽ và tiếp tục có tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 6,9% so với cùng kỳ thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu 10,4% của khối doanh nghiệp trong nước. Xuất khẩu nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, sản phẩm chất dẻo, cao su,… của khối doanh nghiệp trong nước đều đạt mức tăng trưởng tốt.

Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tăng trưởng xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng từ 8 đến 10% (tương đương 263 tỷ USD), xuất khẩu 6 tháng cuối năm phải đạt bình quân 23 – 23,4 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ này sẽ kiên trì thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu. Phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu; đặc biệt là vấn đề gian lận xuất xứ khi nguy cơ hàng hóa Trung Quốc “mượn đường” và “mượn xuất xứ” của Việt Nam để vào Mỹ.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có các văn bản gửi VCCI đề nghị tăng cường kiểm tra hồ sơ cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, tác động xấu đến sản xuất trong nước; đồng thời chỉ đạo các Sở Công Thương cập nhật tình hình các dự án đầu tư sản xuất trên địa bàn, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương khi có dấu hiệu gian lận thương mại về xuất xứ; chỉ đạo Tổng cục Quản lý Thị trường tăng cường các biện pháp quản lý, triển khai chuyên đề đấu tranh, phòng chống gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh – ông Đỗ Thắng Hải cho biết thêm.

Lê Kim Liên