Tăng cường hợp tác về tiêu chuẩn đo lường chất lượng giữa Việt Nam – Trung Quốc hỗ trợ cho thương mại song phương

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười Hai 13, 2023 | 20:01 - Lượt xem: 519

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình trước buổi hội đàm ngày 12/12. Ảnh: Giang Ngọc

Ngày 12-13/12/2023, chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân đặt ra nhiều kỳ vọng mới trong quan hệ hai nước. Đó là kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương Việt Nam-Trung Quốc. Trên cơ sở đó, hôm nay, ngày 13/12/2023, hai bên đã ra Tuyên bố chung của hai nước trong đó nhấn mạnh đến hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Toàn văn có đoạn:

Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy tốt vai trò của Ủy ban hỗn hợp hợp tác về khoa học công nghệ Việt Nam – Trung Quốc; tích cực tăng cường hợp tác kết nối trong các lĩnh vực … tiêu chuẩn đo lường chất lượng; tăng cường giao lưu trao đổi đoàn các cấp nhằm làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực trên

Hai bên nhất trí, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn đối với hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại song phương.

Trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới có nhiều biến đổi khó lường, Đảng, Chính phủ, doanh nghiệp hai nước ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn hoá, xác định tiêu chuẩn kỹ thuật là công cụ hiệu quả, thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại, loại bỏ rào cản kỹ thuật, phát triển kinh tế bền vững. Trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng được thiết lập bền vững trong nhiều năm qua.

Về hoạt động hợp tác quốc tế lĩnh vực tiêu chuẩn hoá, Việt Nam và Trung Quốc là những thành viên tham gia tích cực vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế lớn hàng đầu trên thế giới (ISO, IEC, ITU, Codex…). Thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã có những trao đổi thông tin kịp thời với phía cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia Trung Quốc, phối hợp trong xây dựng tiêu chuẩn quốc tế hai bên cùng quan tâm.

Trong khuôn khổ hợp tác Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc, Tổng cục TCĐLCL là đại diện Việt Nam tham gia Tiểu ban STRACAP thuộc Ủy ban Thực thi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc. Đến nay, Tiểu ban đã tổ chức được 8 phiên họp, xác định 05 lĩnh vực ưu tiên để đề xuất các phương thức, sáng kiến hợp tác nhằm tạo thuận lợi trong trao đổi thương mại giữa các nước trong ASEAN với Trung Quốc bao gồm: thực phẩm chế biến sẵn, mỹ phẩm, thiết bị điện-điện tử, sản phẩm gỗ và sản phẩm ô tô.

Hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc và trao đổi song phương các cấp.

Ngày 12/11/2019 tại Hà Nội, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp và làm việc với Thứ trưởng Cơ quan giám sát quy định thị trường Trung Quốc (SAMR) kiêm Cục trưởng Cục Quản lý tiêu chuẩn hóa Trung Quốc (SAC), ông Điền Thế Hồng (TIAN Shihong). Ngày 5/6/2023, tại Trụ sở Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đã có buổi tiếp xã giao đoàn SAMR do ông Bồ Thuần, Phó Cục trưởng (cấp Thứ trưởng) SAMR làm Trưởng đoàn.

Thứ trưởng Lê Xuân Định tiếp Phó Cục trưởng SAMR Bồ Thuần

Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam 2020-2030, trên cơ sở tham khảo các chiến lược tiêu chuẩn của ISO, IEC và các nước trong khu vực… Việt Nam đã xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030.

Trong quá trình xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa, Việt Nam đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng Chiến lược tiêu chuẩn hóa của Trung Quốc. Đến nay, chiến lược tiêu chuẩn hóa của Việt Nam hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Tại Diễn đàn Hợp tác Tiêu chuẩn hóa Trung Quốc – ASEAN được tổ chức vào ngày 12/10/2023 tại thành phố Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc, phía Việt Nam cử đoàn đại biểu tham gia Diễn đàn Hợp tác Tiêu chuẩn hóa Trung Quốc – ASEAN gồm ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh; TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng TCĐLCL, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp, Tổng cục TCĐLCL.

TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL trình bày tại diễn đàn

Diễn đàn hợp tác ASEAN – Trung Quốc trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa là sự kiện được tổ chức hai năm/lần bắt đầu từ năm 2019 với sự tham gia của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và đại diện của 10 nước ASEAN. Diễn đàn là một trong những sự kiện cấp cao trong khuôn khổ EXPO ASEAN – Trung Quốc, nơi thiết lập hợp tác và chia sẻ, trao đổi các thông tin, sáng kiến… trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, cùng nhau xây dựng một cộng đồng tương lai chung Trung Quốc – ASEAN chặt chẽ hơn, đóng góp vào lợi ích chung và sự phát triển cùng có lợi của các quốc gia Trung Quốc và ASEAN.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các nội dung như: tăng cường hợp tác và trao đổi về tiêu chuẩn hóa đối với phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới, sản xuất thiết bị, thiết bị đặc biệt và lâm nghiệp sinh thái giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Nhân dịp Diễn đàn này, đoàn của Tổng cục TCĐLCL đã có cuộc gặp gỡ song phương với SAMR do ông Điền Thế Hồng, Thứ trưởng SAMR chủ trì tiếp và làm việc. Hai bên đã thảo luận các vấn đề như: hỗ trợ triển khai chiến lược tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức đa phương, chia sẻ kinh nghiệm kiện toàn hoạt động của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia trong giai đoạn tới, hợp tác về tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, hợp tác trong các lĩnh vực xe nhiên liệu mới và đào tạo chuyên gia trẻ.

Đoàn Tổng cục TCĐLCL làm việc với SAMR

Hợp tác song phương còn được thúc đẩy thông qua bản ghi nhớ (MoU) giữa Tổng cục TCĐLCL và Cục Quản lý Tiêu chuẩn hóa Trung Quốc (SAC) ký kết vào ngày 12/11/2019. Nội dung của MoU tập trung vào việc hợp tác trong chia sẻ thông tin, hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng tiêu chuẩn của nước còn lại đối với các lĩnh vực chưa xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương. Thực hiện MoU trên, kể từ tháng 12/2019 đến nay, Tổng cục TCĐLCL và SAC định kỳ hàng quý trao đổi danh mục tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam và Trung Quốc.

Các đơn vị kỹ thuật trực thuộc Tổng cục TCĐLCL cũng thúc đẩy quan hệ nhiều mặt trong hợp tác với Trung Quốc. Trong lĩnh vực đo lường, tháng 8/2018, Viện Đo lường Việt Nam (VMI) đại diện Việt Nam ký “Bản tuyên bố chung về Ý định Tăng cường hợp tác Lan Thương – Mekong (hay còn gọi là hợp tác Lancang –Mekong) về đo lường và các chuẩn đo lường”. Các Bên tham gia ký Bản tuyên bố chung gồm 06 quốc gia: Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia và My-an-ma. Bằng việc ký kết Bản tuyên bố này, các bên thống nhất sẽ đẩy mạnh sự đầu tư về nguồn nhân lực và vật chất, tăng cường hợp tác giữa các Viện Đo lường Quốc gia của các nước tham gia về đào tạo nguồn nhân lực, so sánh đa phương hoặc song phương về chuẩn đo lường, cung cấp dịch vụ hiệu chuẩn, cũng như sử dụng các Chất chuẩn được chứng nhận (CRM). Các cán bộ tham gia các khóa đào tạo về lĩnh vực Độ dài, Điện và Khối lượng trong khuôn khổ dự án hợp tác Lan Thương – Mekong về Đo lường. Mới đây, hai bên đã thống nhất tiếp tục giai đoạn hai của quan hệ hợp tác này.

VMI và Viện Đo lường Trung Quốc từ năm 2018 đã thống nhất triển khai nhiều hoạt động thực tiễn về đo lường như nghiên cứu và phối hợp thực hiện các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực đo lường theo nhu cầu và đề xuất của VMI; trao đổi kinh nghiệm về xây dựng phòng thí nghiệm và phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia thông qua trao đổi thông tin trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm và thiết lập hệ thống chuẩn đo lường quốc gia các lĩnh vực đo lường; phối hợp tổ chức, tham gia các hội thảo khoa học lĩnh vực đo lường; thực hiện các so sánh song phương chuẩn đo lường …Các chuyên gia của Viện Đo lường quốc gia Trung Quốc đào tạo cho VMI về lĩnh vực đo lường khí bao gồm: tư vấn về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực độ dài, nhiệt, nâng cấp trang thiết bị và xây dựng hệ thống chuẩn đo lường.

Trong năm 2023, VMI cũng đã tham gia Lễ ký kết Kế hoạch hành động Thúc đẩy Tiến bộ và Thừa nhận lẫn nhau về Đo lường giữa các nước Lan Thương -Mekong giai đoạn 2023-2028, đây là giai đoạn thứ hai của quá trình hợp tác vùng Lan Thương-Mekong (tiếp nối giai đoạn 1 từ 2018-2023).

Trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp, Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) và Công ty TNHH Thử nghiệm MCM Quảng Châu (MCM) thường xuyên phối hợp thực hiện các hoạt động liên quan đến thử nghiệm Pin theo QCVN 101/2016/BTTTT. Trung tâm Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 3 (QUATEST 3) và Trung tâm Chứng nhận Chất lượng Trung Quốc (CQC) đã ký MoU hợp tác về đánh giá sự phù hợp.

Trung tâm Thông tin – Truyền thông TCĐLCL và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quảng Tây Trung Quốc (GIST) đã có thỏa thuận hợp tác về thông tin tiêu chuẩn ký từ năm 2009. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin về tiêu chuẩn bao gồm: cập nhật danh mục tiêu chuẩn, tuyển tập tiêu chuẩn về nhiều lĩnh vực;  sách, ấn phẩm chuyên ngành; các chính sách mới có liên quan cũng như đã hỗ trợ thông tin kịp thời, đáp ứng mọi nhu cầu thông tin về tiêu chuẩn của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc.

Ngoài ra, ngày 11/12/2023, nhận lời mời của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quảng Tây, TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng đã trình bày trực tuyến tại Diễn đàn Quốc tế Phát triển Lưới điện Vi mô Xanh 2023, do Hiệp hội Công nghiệp Điện lực Quảng Tây, Viện Nghiên cứu Lưới điện Vi mô Xanh Quảng Tây và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quảng Tây đồng tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.

Tầm quan trọng và triển vọng hợp tác Việt Nam – Trung Quốc trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế hai nước có tính tương đồng, bổ sung lẫn nhau và xu thế phát triển kinh tế thế giới hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Hai nước còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng để hỗ trợ cho thương mại song phương.

Vụ HTQT