Tác hại không ngờ từ việc sử dụng hà thủ ô sai cách

Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Năm 6, 2022 | 11:28 - Lượt xem: 1223

Hà thủ ô là một dược liệu quý được rất nhiều người tin tưởng dùng tuy nhiên việc dùng hà thủ ô sai cách có thể gây hại sức khỏe không ngờ.

Hà thủ ô là một vị thuốc không thể thiếu trong các bài thuốc Đông y chuyên dùng để tăng cường sức khỏe, bồi bổ gan thận, làm đen râu tóc, chủ trị các chứng suy nhược thần kinh, đau lưng mỏi gối… Tuy nhiên, việc sử dụng tùy tiện hà thủ ô không theo chỉ dẫn của bác sĩ đông y ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm.

Lựa chọn hà thủ ô kém chất lượng

Là dược liệu quý hiếm, đã được khẳng định tác dụng qua hàng trăm năm nên hà thủ ô rất được nhiều người săn đón, tin tưởng và sử dụng. Tuy nhiên, để làm sao chọn được hà thủ ô chất lượng lại là một bài toán khó mà không phải ai cũng có thể lý giải.

Hà thủ ô đem lại nhiều lợi nhuận lớn, giá trị cao, tuy nhiên quá trình chế biến của hà thủ ô lại khá phức tạp, phải mất từ 10 -15 ngày đối với phương pháp cửu chưng cửu sái.

Chính vì vậy, các cơ sở chế biến thường ăn bớt công đoạn hay chỉ cắt lát phơi khô, nhằm tối ưu hóa quy trình, cho ra sản phẩm nhanh nhất để thu được lợi nhuận cao nhất. Chưa kể, một số cơ sở thiếu uy tín còn trộn lẫn củ nâu với hà thủ ô để tăng khối lượng. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng lại khá là khó khăn vì chưa có một cơ quan nào đứng ra đánh giá chất lượng của thành phẩm. Do đó người tiêu dùng khi chọn mua loại dược liệu này cần phải hết sức cẩn trọng và tỉnh táo khi lựa chọn mua hà thủ ô.

 Dùng hà thủ ô sai cách có thể gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa

Chế biến sai cách có thể gây ngộ độc

Dù hà thủ ô được biết đến với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: làm đen râu tóc, chữa đau lưng mỏi gối, suy nhược thần kinh, kích thích tiêu hóa, bồi bổ gan thận,.. Tuy nhiên ít ai biết rằng vị thuốc này lại có chứa chất độc, nếu không biết cách chế biến thì rất dễ bị ngộ độc, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Trên thị trường hà thủ ô gồm 2 loại: hà thủ ô sống và hà thủ ô đã qua chế biến. Tuy nhiên, chỉ hà thủ ô qua chế biến mới được sử dụng, hà thủ ô sống chứa một lượng độc chất cao và được phân hủy trong quá trình chế biến. Trong hà thủ ô sống có những hợp chất chứa anthraquinon – có tác dụng kích thích nhu động ruột, nhuận tràng.

Gây rối loạn điện giải, đau bụng

Nếu dùng hà thủ ô ở dạng tươi sống chưa qua chế biến có thể gây đau bụng, tiêu chảy mạnh. Bên cạnh đó, công dụng nhuận tràng quá mức của hà thủ ô còn làm giảm hấp thu kali, từ đó gây rối loạn điện giải khiến cơ thể bị yếu, thần kinh cảm giác bị rối loạn, người bệnh có cảm giác bị tê bì hay như kiến bò, chân tay không thật…

Hà thủ ô cần phải chế biến kỹ để giảm bớt thành phần tannin có sẵn trong dược liệu. Tanin làm cho hà thủ ô có vị chát, uống vào sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, đến ruột sẽ làm săn se niêm mạc ruột, giảm co thắt ruột gây táo bón, tích tụ chất độc trong cơ thể. Nếu dùng lâu dài như thế thì chất chát có trong hà thủ ô sẽ gây viêm thận, bí tiểu.

Hà thủ ô có thể gây ung thư gan

Trước đó tờ FoxNews đưa tin, một người đàn ông Trung Quốc 26 tuổi đã tử vong sau một tháng nằm viện vì tiêu thụ quá liều một loại thảo mộc chức năng trị bệnh rụng tóc.

Theo đó, người này đã uống hơn 6,6 pound (gần 3kg) hà thủ ô đỏ (TuberFleeceflower) khiến cho gan bị tổn thương dẫn đến suy gan và tử vong. Trước đó, vào năm 2014, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đã ban hành một cảnh báo về tác dụng phụ tiềm năng của loại thảo dược này.

Một vài lưu ý khi sử dụng hà thủ ô

Theo các chuyên gia, những người bị rối loạn tiêu hóa, đang bị viêm đường tiêu hóa như đau dạ dày thì không nên dùng loại thảo dược này nhất là loại hà thủ ô chưa qua chế biến.

Đồng thời những người chuẩn bị phẫu thuật cũng nên cẩn trọng khi dùng hà thủ ô (tốt nhất nên dừng tối thiếu trước 2 tuần hoặc sau thời điểm phẫu thuật) bởi dược liệu này sẽ gây ra hạ đường huyết, có thể khiến người bệnh tử vong khi phẫu thuật.

Ngoài ra, hà thủ ô có hoạt tính estrogen thực vật khá cao, dễ gây kích thích khối u phát triển và khối ung thư tái phát, do đó những người có tiền sử bị ung thư hay đang điều trị ung thư vú hoặc tử cung không nên dùng vị thuốc này.

Không những thế theo tài liệu cổ, khi sử dụng hà thủ ô cần kiêng kỵ “3 thứ màu trắng” (tam bạch) đó là: hành củ, tỏi, củ cải trắng, đồng thời cũng cần phải kiêng cả ớt và hồ tiêu vì đây đều là những thứ cay nóng, có tính phát tán, làm hao tổn tinh huyết.