Tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng thuốc súc họng chứa iod sai cách

Thứ Tư, Tháng Bảy 17, 2019 | 15:43

Khi bị viêm nhiễm vùng họng, thuốc súc họng có chứa iod là loại thuốc được nhiều người sử dụng nhưng cần thận trọng khi dùng để tránh gây hại cho cơ thể.

Hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều người tự ý sử dụng thuốc súc họng theo thói quen hoặc hỏi người khác mà không có đơn và hướng dẫn của thầy thuốc. Điều này gây nhiều nguy hại cho sức khỏe người dùng.

Thuốc súc họng là loại thuốc được bào chế dạng dung dịch hoặc dạng bột có thể pha được để sử dụng khi người bệnh có những biểu hiện viêm nhiễm vùng họng hoặc sau khi làm phẫu thuật vùng mũi họng như nhổ răng, cắt amiđan, lấy các khối u vùng mũi họng…

Thuốc súc họng có rất nhiều loại với các tác dụng như: chống viêm, sát khuẩn, cân bằng pH vùng họng… Một trong số đó là thuốc súc họng có chứa iod.

 Dùng thuốc súc họng nên thận trọng vì có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm

Thuốc súc họng này cũng thường được dùng để làm giảm các triệu chứng của viêm họng cấp như: đau họng, rát họng, khô họng, cay họng (các biểu hiện tiền triệu trước khi sốt của viêm họng cấp); Loét họng do virut, do chấn thương, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; Vệ sinh vùng họng miệng trong những bệnh lý như trào ngược, nấm họng, viêm tuyến nước bọt, khoang miệng…

Tác dụng phụ của thuốc súc miệng chứa iod

Khi dùng thuốc súc họng có chứa iod người dùng có thể gặp các tác dụng không mong muốn như có thể gây kích ứng tại chỗ. Thuốc súc họng chứa iod có thể gây bỏng niêm mạc và phản ứng nhạy cảm tại chỗ của thuốc chứa iod, biểu hiện bằng ngứa tại vùng họng và khoang miệng. Thậm chí có thể xuất hiện loét, tăng tiết nước bọt, nuốt vướng, thậm chí nuốt khó kèm theo khó thở.

Thuốc súc họng cũng có thể gây phản ứng phản vệ. Sự cố này có thể có nhưng rất hiếm, tuy nhiên phản ứng phản vệ cũng đã được ghi lại và báo cáo trong y văn.

Ngoài ra dùng thuốc súc họng còn có thể tạo ra bướu cổ và suy giáp hoặc cường giáp. Những tác dụng này thường chỉ phát hiện ở những bệnh nhân sử dụng thuốc súc họng chứa iod kéo dài trên 14 ngày. Các tác dụng khác được cảnh báo là nhiễm toan chuyển hóa gây hôn mê và suy thận cấp.

Cần lưu ý, các thuốc súc họng thường được sử dụng sau khi đánh răng để thuốc có tác dụng lâu dài hơn ở niêm mạc họng. Mỗi ngày nên thực hiện súc miệng, họng từ một đến ba lần. Thuốc súc họng thường được sử dụng dưới 10 ngày trừ nước muối. Nếu sử dụng kéo dài cũng gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái của lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Những tác dụng không mong muốn của thuốc có thể gặp là phát ban, ngứa họng và miệng, phồng rộp môi, mặt đỏ, toát mồ hôi thậm chí có thể sốc phản vệ và tử vong. Nếu gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng dùng và được xử trí y tế kịp thời (khi cần thiết).

Những ai không nên dùng thuốc súc miệng chưa iod?

Tuy nhiên theo các bác sĩ, không phải ai cũng có thể sử dụng được loại thuốc súc họng chứa iod. Không dùng trong các trường hợp: Trẻ dưới 6 tuổi; Những người mẫn cảm với iod, polyvinylpyrrolidine hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần bào chế của dung dịch súc họng; Những người viêm họng nhưng lại có tiền sử bệnh lý của tuyến giáp, nhất là bướu cổ (đặc biệt là bướu cổ có nhân và viêm tuyến giáp Hashimoto). Nên tránh sử dụng thường xuyên thuốc súc họng chứa iod cho bệnh nhân đang điều trị đồng thời với thuốc lithium (dưới 5 ngày).

Không sử dụng thuốc súc họng chứa iod quá 14 ngày, trong trường hợp cần thiết phải có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa. Chế phẩm này có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp, vì thế trước khi làm các xét nghiệm chức năng tuyến giáp phải thông báo cho bác sĩ khám bệnh việc sử dụng thuốc súc họng chứa iod.

Iod có thể hấp thụ qua niêm mạc họng và tăng nồng độ iod trong máu, đặc biệt ở bệnh nhân có suy thận, tỷ lệ hấp thu toàn thân tăng gấp 6-7 lần bình thường. Vì vậy tránh dùng cho bệnh nhân suy thận.

Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú do iod tự do đi qua nhau thai và được tiết ra trong sữa mẹ, vì thế không nên sử dụng thường xuyên trong khi mang thai trừ khi không có điều trị thay thế khác và phải có sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ sản khoa.

An Dương (T/h)