Tác động tích cực của Luật CLSPHH đối với hệ thống pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Thứ Ba, Tháng Năm 23, 2023 | 14:31
Luật Chất lượng Sản phẩm, hàng hóa đã tác động tích cực đáng kể đối với hệ thống pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sự phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong đó, đối với hệ thống pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội thông qua năm 2007 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta.
Đạo luật này đã thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta, chuyển từ hệ thống các văn bản pháp luật đơn hành, với quy định còn thiếu tính thống nhất và đồng bộ thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, làm nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến quản lý và thực thi quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta.
Trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa và hệ thống văn bản pháp luật trước đây đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật của các nước để vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã khắc phục được bất cập, tồn tại nhiều năm trong hệ thống văn bản pháp luật, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đầy đủ và hiệu quả của hệ thống pháp luật, làm cho hệ thống văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta tiến gần hơn với hệ thống của nhiều nước trên thế giới.
Đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, với vai trò là một văn kiện pháp lý quan trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, kết quả thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã cho thấy các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên, sản phẩm, hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trước khi đưa ra thị trường cho đến khâu sau khi đưa ra thị trường, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động chất lượng, đổi mới phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình; bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước, đồng thời xác định trách nhiệm và phân công hợp lý giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Đối với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, việc ban hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là bước tiến mới trong việc thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng các đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Về cơ bản, các quy phạm pháp luật liên quan tới quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã đáp ứng yêu cầu, quy định của các Hiệp định, Hiệp ước mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh việc tuân thủ các điều ước quốc tế về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các nước để vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam.
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã thực sự là công cụ pháp lý quan trọng của nước ta trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia trước sức ép của các cường quốc trong quá trình hội nhập, đồng thời, tôn trọng các điều ước quốc tế về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.
Đối với các cam kết trong những thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam về cơ bản đều đã tương thích. Các nghĩa vụ mang tính bắt buộc hoặc đã được quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hoặc được quy định tại các Luật liên quan (Bộ luật Dân sự, Luật Hải quan…) hoặc được hướng dẫn cụ thể bằng các Nghị định quy định chi tiết và các Thông tư hướng dẫn thi hành.
Mặc dù vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa để phù hợp với hoạt động thực tiễn cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập vẫn là công việc được liên tục tiến hành.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hệ thống các văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà trọng tâm là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng cần được đánh giá một cách toàn diện để không chỉ đáp ứng các nghĩa vụ trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia mà còn phù hợp với lộ trình hội nhập của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo VietQ