Tác động kinh tế dịch của Covid-19 và các giải pháp về năng suất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng TưTháng Tư 15, 2020 | 8:00 - Lượt xem: 1421
Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) tổ chức talkshow trực tuyến về các tác động về kinh tế của dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp về năng suất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Giáo sư Hak Kil Pyo từ trường Đại học Seoul, Hàn Quốc là diễn giả chính của sự kiện này.
Trong talkshow này, Giáo sư Hak Kil Pyo đã chỉ ra những tác động ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế khu vực Châu Á do đại dịch Covid-19 gây ra. Cụ thể, Giáo sư Hak Kil Pyo cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm cả nền kinh tế Châu Á sụt giảm trầm trọng với mức tăng trưởng âm, điều này cũng kéo theo toàn bộ kinh tế thế giới cũng tụt dốc. Thậm chí nhiều nước còn mở các gói hỗ trợ “khổng lồ” chưa từng có trong lịch sử để ngăn chặn suy thoái kinh tế.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tổng thời gian làm việc đã bị cắt giảm vì 125 triệu nhân viên bị mất việc do các cửa hàng và nhà máy trên toàn Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung đã bị đóng cửa. Hay Ngân hàng đầu tư đa quốc gia và các dịch vụ tài chính cũng đã dự đoán tỷ lệ thất nghiệp cuối năm nay tại Mỹ đến 12,6%. Tổ chức tài chính quốc tế cũng có nhận định rằng tổng số trái phiếu mà các chính phủ đưa ra trong năm nay vào khoảng 2,1 triệu tỉ đô la Mỹ.
Cũng trong cuộc tọa đàm, Giáo sư Hak Kil Pyo cũng đã chỉ ra 4 yếu tố khiến cho nền kinh tế sụt giảm ảnh hưởng đến năng suất của các nước Châu Á- Thái Bình Dương trong năm nay.
Thứ nhất, một loạt các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng do gián đoạn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, bao gồm: du lịch khách sạn, hàng không, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, hàng tiêu dùng, phương tiện, hàng điện tử gia dụng,…
Thứ hai, sự gia tăng tình trạng thất nghiệp với các ngành nghề không yêu cầu trình độ cao cũng ngày càng gia tăng, dẫn đến hậu quả nền kinh tế có thể suy thoái trầm trọng hơn giai đoạn 2007-2008.
Thứ ba, các công ty dựa vào dòng chảy tiền mặt sẽ bị giảm thanh khoản để bù lỗ vào các chuỗi nguồn cung bị ảnh hưởng do Covid-19 có thể bị phá sản. Quan hệ cung- cầu cũng sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nguồn cầu sẽ phải tăng lên để tránh ảnh hưởng tiềm tàng từ sự tăng giá do điều chỉnh từ chính phủ.
Thứ tư, nạn thất nghiệp gia tăng, khủng hoảng từ các doanh nghiệp cũng tăng lên, từ đó các mức chi tiêu vào các ngành nghề cũng sụt giảm. Đồng thời nhiều doanh nghiệp, công ty khó khăn sẽ cắt giảm nguồn nhân lực đáng kể, các khoản đầu tư thị trường cũng sẽ bị hoãn vô thời hạn; như vậy làm giảm tổng cầu thị trường cũng như suy giảm sự tăng trưởng kinh tế. Chính những điều này cũng sẽ dẫn đến tổng năng suất GDP đầu người, năng suất thu nhập đầu người, hay các doanh nghiệp/ công ty hay năng suất dựa trên quan hệ giữa các yếu tố cũng theo đó mà sụt giảm trầm trọng.
Các giải pháp thúc đẩy năng suất và phát triển kinh tế tại Châu Á- Thái Bình Dương
Cũng theo Giáo sư Hak Kil Pyo, toàn thế giới đang phải đối mặt với một kẻ thù chung “đại dịch Covid-19”, biện pháp tốt nhất hiệu quả nhất lúc này chính là cách ly. Nếu không có sự cách ly hay một biện pháp phòng ngừa nào thay thế sẽ dần đến hậu quả nghiêm trọng hơn bây giờ rất nhiều. Vì vậy, mọi ngành đặc biệt là kinh tế cần chung tay góp sức với y tế và bảo hiểm để có thể bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của con người và vật chất.
Ngoài ra, khi nói đến chính sức để thúc đẩy năng suất phát triển, Giáo sư Hak Kil Pyo cũng cho rằng mỗi nước cần hoạch định ra một chính sách cụ thể phù hợp với hoàn cảnh thực tế của nước mình hiện tại. Chưa nói đến sẽ phát triển ra sao, nhưng trước mắt duy trì được mức năng suất ổn định trong từng nước đã là điều tốt. Ngoài ra, năng suất từ các doanh nghiệp trong năm nay chấp nhận phải giảm rất nhiều, do thiếu thốn nguyên vật liệu cũng như năng suất từ các nguồn ngoài cũng sẽ giảm theo.
Ví dụ điển hình như Hàn Quốc, dự đoán trong năm nay sẽ giảm xuất khẩu trong nước lên đến 30%. Vậy chính sách tốt nhất cho đến hiện tại có thể làm chính là cắt giảm nguồn lực. Đó là điều đáng buồn nhưng không thể tránh khỏi, nếu muốn phục hồi nền kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp cũng sẽ có biện pháp cụ thể để giảm năng suất chung nhưng phải làm sao để hiệu suất không thay đổi.
Bên cạnh đó, hầu hết các nước hiện nay đã mở ra các gói kích thích tăng trưởng, điều này cũng sẽ tác động một phần đến năng suất chung và phát triển kinh tế. Bởi lẽ, một số nước đặc thù, có nguồn tài nguyên đa dạng để phát triển du lịch như Lào, Việt Nam, Thái Lan,… hầu như chịu ảnh hưởng nặng nề khi du lịch và hàng không đóng băng, mặt khác họ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi sự giảm sút các khoản đầu tư nước ngoài. Như vậy, các nước này sẽ không chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp trong nước để đóng góp nền kinh tế mà họ cần chủ động cho ra các gói tăng trưởng để tập trung vào xây dựng hạ tầng y tế, xã hội dầu tiên, có như vậy mới phục hồi nền kinh tế và năng suất.
Ngoài ra, các nước cũng sẽ lên các phương án xây dựng chính sách kinh tế cụ thể phù hợp với từng quốc gia, như thế mới có thể mau chóng vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch này. Ví dụ điển hình như Hàn Quốc, mặc dù chính phủ đã ra nhiều gói hỗ trợ và đẩy mạnh kinh tế người dân trong mùa dịch này nhưng tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là phương án khả quan để thúc đẩy nền kinh tế phát triển trở lại, mà mới chỉ là phương án tạm thời để duy trì nền kinh tế khủng hoảng tại nước này. Còn để ra một phương án toàn diện, chính phủ cần phải nghiên cứu thêm.
Theo Bảo Linh/VietQ.vn