Sửa đổi cơ chế phối hợp thanh kiểm tra, thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Chín 12, 2023 | 10:24 - Lượt xem: 7761

Qua hơn 12 năm thực thi, Quy chế về cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra nhà nước lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phối hợp giữa các cơ quan có chức năng kiểm tra ở Trung ương với cơ quan có chức năng kiểm tra ở địa phương, tuy nhiên vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Theo đó, thứ nhất là về phối hợp trong công tác chia sẻ thông tin và xây dựng kế hoạch. Hiện nay, theo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, Quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc các Bộ, đã giao nhiều đơn vị có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, trong đó có công tác kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Do đó, hằng năm, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình, tuy nhiên quá trình xây dựng kế hoạch thường được thực hiện trong nội bộ mỗi đơn vị, chưa có cơ chế phối hợp chia sẻ, tiếp cận thông tin, dẫn đến nhiều chồng chéo, trùng lặp về nội dung, đối tượng kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp, chưa đúng tinh thần tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Thứ hai, về phối hợp trong công tác kiểm tra triển khai, kế hoạch. Về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, mà để xác định được chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải thông qua tổ chức đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) có năng lực về điều kiện nhân lực, hệ thống quản lý, kỹ thuật, đo lường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa để đo lường, thử nghiệm, giám định, chứng nhận.

Tuy nhiên, Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg hiện nay chỉ giới hạn trong việc phối hợp kiểm tra chất lượng, chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra được giao tại các Luật TCQCKT, Đo lường, trong khi chất lượng sản phẩm, hàng hóa có sự gắn kết chặt chẽ, không tách rời 02 Luật này.

Thứ ba, về phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra với cơ quan thanh tra. Mặc dù hệ thống pháp luật về thanh tra đã quy định đầy đủ và chặt chẽ về việc xây dựng kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo, trùng lặp, tuy nhiên, pháp luật thanh tra chỉ quy định phối hợp giữa cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quan kiểm tra với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về xử lý chồng chéo, trùng lặp.

 Một số đại diện Bộ, ngành, địa phương chia sẻ ý kiến tại hội thảo Quy chế về cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra nhà nước lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện các địa phương đã có những ý kiến góp ý, chia sẻ về Quy chế cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra nhà nước lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Theo đó, phía đại diện tỉnh Nam Định cho biết, sau 12 năm ban hành Quy chế có thể thấy việc phối hợp chiều dọc giữa 13 Bộ ngành và 63 địa phương, cũng như tại địa phương theo chiều ngang giữa cơ quan quản lý đã đem lại một số tác động tích cực trong việc thực hiện chức trách của cơ quan quản lý các cấp. Tại tỉnh Nam Định đã ghi nhận được một số kết quả.

Thứ nhất là khi có Quy chế này đã thiết lập và duy trì được quy định hằng năm xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra, bên cạnh đó tạo ra một phần mềm xử lý chồng chéo thiết lập danh sách thanh kiểm tra ở địa phương giúp hạn chế việc chồng chéo về nội dung và đối tượng; thứ hai, tỉnh đã duy trì hoạt động trao đổi thông tin định kỳ 6 đến 12 tháng sẽ có báo cáo tổng hợp tình hình quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh; thứ ba, tỉnh đã có sự tổ chức và phối hợp, huy động các nguồn lực, đặc biệt là kiểm tra liên ngành theo kế hoạch với Ban 389, Ban vệ sinh an toàn thực phẩm… ngoài ra, thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan để tổ chức kiểm tra liên ngành.

Có thể thấy, Quy chế đã tác động tích cực đối với tỉnh Nam Định, bên cạnh đó, sau 10 năm với góc nhìn địa phương cũng cần thay đổi một số bất cập. Trong đó, theo Luật CLSPHH và Luật TCQCKT quy định rất nhiều ngành, việc phân công, phân cấp các bộ, ngành, địa phương mà trong Luật CLSPHH một trong những cách tiếp cận chung cũng như đối tượng quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thì có sự giao thoa và muốn đánh giá phải qua 3 khía cạnh về tiêu chuẩn, chất lượng, đo lường. Để giảm sự chồng chéo, một trong những cốt lõi là mở rộng và điều chỉnh quy mô, đối tượng. Thứ hai, trên cơ sở phương án là thanh tra với cấp trên trước, thanh tra và kiểm tra địa phương sau, nếu như quy định rõ ràng như vậy trong Quy chế sẽ tránh chồng chéo trong việc đưa danh sách và kế hoạch kiểm tra cùng một thời điểm.

Thứ ba là việc trao đổi thông tin không phù hợp và đủ sẽ dẫn đến xây dựng kế hoạch trùng lặp, việc thanh kiểm tra trùng lặp, chính vì vậy cần có sự chỉnh sửa về việc trao đổi thông tin và thống nhất một đầu mối.

Thứ tư về sản phẩm hàng hóa, hiện nay có nhiều sản phẩm hàng hóa chịu nhiều sự quản lý của cơ quan quản lý, chính vì vậy khi thanh kiểm tra theo kế hoạch nếu không có sự phối hợp với các bên sẽ không đạt hiệu quả trong việc thanh kiểm tra.

Liên quan đến ý kiến của đại diện Sở KH&CN tỉnh Nam Định, ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay, về mở rộng phạm vi trước đây theo Nghị định chúng ta chỉ được giao kiểm tra về chất lượng, thực tiễn là chỉ kiểm tra hồ sơ, giấy tờ tuy nhiên lại không thể phản ánh được chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt từ năm 2019, các tổ chức công nhận quốc tế đưa ra hạ tầng chất lượng quốc gia, chỉ số có thể thấy không liên quan tuy nhiên lại là hàng rào đối với sản phẩm hàng hóa, có nghĩa là các nước có điểm chỉ số hạ tầng quốc gia cao họ sẽ có sự tin tưởng hệ thống kiểm soát tốt. Chính vì vậy, với quan điểm kiểm tra chất lượng dựa trên thông tin thì chưa thật sự phù hợp cả về thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp, công nhận, chứng nhận và đo lường.

Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin ở góc độ một bộ ngành, địa phương có thể làm rất tốt, tuy nhiên dưới góc độ nhiều bộ ngành cũng chưa có sự có sự trao đổi thông tin. Tại Bộ Khoa học và Công nghệ từ năm 2019 không có sự chồng chéo về công tác thanh tra và kiểm tra tiêu chuẩn đo lường chất lượng, mô hình hoạt động hiện tại rất tốt. Trong Quy chế nếu không có việc trao đổi thông tin sẽ dẫn đến chồng chéo giữa các bộ, chính vì thế rất cần cơ chế chia sẻ thông tin với các bộ ngành và địa phương.

Theo đại diện tỉnh Hưng Yên, các sản phẩm hàng hóa đóng gói sẵn và thực phẩm, đồ uống có liên quan đến các ngành y tế, thực phẩm, nông nghiệp, công thương, khoa học… khi quản lý và thanh kiểm tra giữa các bộ ngành, địa phương hay có sự chồng chéo. Chính vì vậy, nên đưa vào dự thảo Quy chế làm rõ các sản phẩm hàng hóa được quản lý bởi bộ ngành, địa phương nào để khi thanh, kiểm tra tránh sự chồng chéo.

Cùng với đó, cần xem xét lại Chỉ thị 20, ngành nông nghiệp có ý kiến là các sản phẩm hàng hóa của bên nông nghiệp cần kiểm tra nhiều dòng sản phẩm hàng hóa hạn sử dụng rất ngắn, thế nhưng chỉ thanh kiểm tra một năm một lần sẽ không sát với thực tế. Về phần xăng dầu, căn cứ theo điều kiện này thì chỉ thanh kiểm tra một lần đồng nghĩa với việc hậu kiểm cũng chưa chuẩn xác…

Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Thanh Thọ – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế – Thanh tra cho hay, công tác thanh tra kiểm tra hiện nay kế hoạch kiểm tra ở các văn bản nội dung chưa giao chính xác cụ thể cho ai ban hành. Mà theo quy định giao cho cơ quan quản lý thuộc ngành, lĩnh vực nào thì ngành, lĩnh vực đó sẽ ban hành kế hoạch kiểm tra cho từng năm. Chính vì thế, các Sở hiện nay cũng ban hành kế hoạch riêng không có sự chồng chéo. Theo như ý kiến của đại diện tỉnh Hưng Yên có thể nghiên cứu để xem xét và tiếp thu liên quan đến đề xuất giao cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra hàng năm, việc giải quyết được chồng chéo là khả thi và triệt để.

Cùng với đó, việc thanh kiểm tra đột xuất không nằm trong kế hoạch mà chỉ cần dựa trên dấu hiệu vi phạm pháp luật, với tinh thần nhanh gọn sẽ không giới hạn tần suất kiểm tra. Nếu trường hợp doanh nghiệp vi phạm liên tục thì tần suất kiểm tra đột xuất có thể tăng lên. Và trong Quy chế này đã thể hiện việc tăng cường công tác thanh kiểm tra có kế hoạch và đột xuất sẽ do cơ quan quản lý tại địa phương chủ động thực hiện.

Đại diện TP. Hà Nội cho biết, việc trùng lặp tại một số địa phương, với các sở ban ngành liên quan đến kiểm tra chất lượng, tuy nhiên về nội dung không có sự trùng lặp. Trong 12 năm qua khi có Quy chế phối hợp kiểm tra về chất lượng sản phẩm hàng hóa, Chi cục TCĐLCL Hà Nội đã tham gia rất nhiều đợt thanh, tra kiểm tra cùng với Tổng cục TCĐLCL và Bộ KH&CN, Cục QLTT… về các mặt hàng xăng dầu, vật tư, thiết bị nông nghiệp… Việc đưa ra quy chế phối hợp thay thế là rất cần thiết và cấp bách, bên cạnh đó, quy chế mới cũng nói đến hoạt động trong công tác thanh tra là một điểm mở rộng và bổ sung để đẩy mạnh, thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Chia sẻ ý kiến, đại diện TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều năm qua phía Chi cục TCĐLCL TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt công tác phối hợp trong hoạt động thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng với cơ quan kiểm tra tại Trung ương. Bên cạnh đó, Chi cục đã chia sẻ thông tin về kế hoạch thanh, tra kiểm tra và đối tượng thanh kiểm tra, việc này đã đạt được kết quả nhất định trong công tác phối hợp giữa các cơ quan góp phần tạo sự thống nhất, giảm chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân.

Hiện nay, trên cơ sở hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và hướng dẫn các Sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra và xử lý sự trùng lặp trong thanh, kiểm tra. Theo kết quả ghi nhận thì TP. Hồ Chí Minh chưa có sự trùng lặp hay chồng chéo liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, Chỉ thị 20 của Chính phủ trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn, đối với lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngoài ngành khoa học công nghệ cũng có một số ngành liên quan, đặc biệt là quản lý thị trường, trong rà soát có thể thấy khó khăn cho ngành khoa học công nghệ khi việc thực hiện thanh, kiểm tra chỉ được thực hiện một lần, chính vì vậy xảy ra sự trùng lặp, chồng chéo giữa các bên kiểm tra.

Hội thảo Quy chế về cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra nhà nước lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Quy chế cũng đề cập rất nhiều đến quy chế phối hợp, thực tế cho thấy chia sẻ thông tin trong ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng rất khó khăn, cần được đề cập cụ thể và rõ ràng trong Quy chế.

Vấn đề tiếp theo là khó khăn trong công tác thanh kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng của ngành khoa học công nghệ, có thể thấy lực lượng thanh tra quá mỏng mà phạm vi quản lý rất rộng, chính vì vậy, việc ngành khoa học và công nghệ tự kiểm tra gặp khó khăn.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đối với nội dung đã ban hành rõ trách nhiệm của bộ, ban, ngành trong 3 Luật CLSPHH, TCQCKT, Đo lường và các Nghị đinh tương ứng thực hiện theo quy định của pháp luật sẽ không cần điều chỉnh trong Quy chế nữa.

Thứ hai là hoạt động thanh tra thì hoạt động theo Luật thanh tra đã có những điều chỉnh về tránh chồng chéo trong nội dung và lập kế hoạch không cần đưa vào điều chỉnh trong Quy chế này.

Thứ ba, Quy chế chỉ nên đưa ra những nội dung phối hợp mà quy định trong luật, nghị định, hướng tương ứng. Ví dụ trong Luật CLSPHH quy định Bộ KH&CN chủ trì phối hợp các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình quốc gia nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và trách nhiệm của các Bộ, ngành là phối hợp thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, thừa nhận lẫn nhau.

Đối với kết quả đánh giá sự phù hợp trong Quy chế cần quy định rõ và làm rõ các bộ, ngành phối hợp thực hiện nội dung như thế nào? Phía Bộ NN&PTNT đề nghị giữ nguyên tên và nội dung Quy chế phối hợp theo Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg và bổ sung quy định về phối hợp kiểm tra đã quy định trong Luật CLSPHH…

Theo VietQ