Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Năm 29, 2023 | 10:32 - Lượt xem: 773
Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Mục tiêu hướng tới
Theo Bộ KH&CN, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp là nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, thay đổi cách thức quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp cho phù hợp với thực tế và hội nhập quốc tế (đặc biệt là các cam kết tại CPTPP, EVFTA, RCEP).
Đồng thời, hạn chế chồng chéo về quản lý giữa các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; giúp cho tổ chức đánh giá sự phù hợp nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình; thừa nhận kết quả đánh giá chỉ định của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, kết quả công nhận của tổ chức công nhận để tránh trường hợp một tổ chức đánh giá sự phù hợp bị tiến hành đánh giá năng lực nhiều lần, gây tốn kém, lãng phí cho xã hội; quản lý hoạt động đào tạo chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý, chuyên gia đánh giá chứng nhận sản phẩm, thử nghiệm viên, giám định viên, kiểm định viên, chuyên gia đánh giá công nhận, chuyên gia năng suất chất lượng để hình thành đội ngũ chuyên gia đánh giá sự phù hợp có năng lực của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, chất lượng của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam; Phù hợp tầm nhìn, định hướng phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, Chiến lược của Chính phủ.
Để đưa ra các đề xuất sửa đổi, bổ sung, Bộ tiến hành nghiên cứu thay đổi cách thức quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp cho phù hợp với thực tế và hội nhập quốc tế (đặc biệt là các cam kết tại CPTPP, EVFTA, RCEP), theo đó tổ chức đánh giá sự phù hợp tự công bố năng lực phù hợp với điều kiện do cơ quan quản lý nhà nước quy định trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tổ chức đánh giá sự phù hợp chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với các kê khai của mình. Cơ quan quản lý sẽ công bố danh sách các tổ chức đã công bố năng lực phù hợp với điều kiện quy định và thực hiện công tác hậu kiểm.
Nghiên cứu, bổ sung quy định về chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp theo hướng thừa nhận kết quả đánh giá chỉ định của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, kết quả công nhận của tổ chức công nhận hoặc Bộ KH&CN làm đầu mối, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tổ chức đánh giá thực tế tại các tổ chức đánh giá sự phù hợp;
Nghiên cứu, bổ sung quy định giao Bộ KH&CN quản lý hoạt động đào tạo chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý, chuyên gia đánh giá chứng nhận sản phẩm, thử nghiệm viên, giám định viên, kiểm định viên, chuyên gia đánh giá công nhận, chuyên gia năng suất chất lượng để hình thành đội ngũ chuyên gia đánh giá sự phù hợp của Việt Nam; nghiên cứu, bổ sung quy định về thử nghiệm trọng tài, so sánh liên phòng, thử nghiệm thành thạo.
Giải pháp thực hiện
Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại một số điều, khoản.
Sửa đổi, bổ sung Điều 3 về giải thích từ ngữ
– Sửa đổi khoản 8 thành khoản 8a quy định khái niệm về “đánh giá sự phù hợp” và khoản 8b quy định khái niệm về “tổ chức đánh giá sự phù hợp”, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.
– Bổ sung khoản 10a quy định khái niệm về “thử nghiệm trọng tài/thử nghiệm kiểm chứng”.
– Bổ sung khoản 19 quy định khái niệm về “xác nhận giá trị sử dụng/thẩm định”.
– Bổ sung khoản 20 quy định khái niệm về “kiểm tra xác nhận/thẩm tra”.
– Bổ sung khoản 21 quy định khái niệm về “công nhận”.
Sửa đổi, bổ sung Điều 6 về chính sách của nhà nước về hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa
– Tại khoản 3, bổ sung nội dung đầu tư, phát triển hệ thống thử nghiệm, thử nghiệm trọng tài/thử nghiệm kiểm chứng.
– Tại khoản 4, bổ sung nội dung đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý, chuyên gia đánh giá chứng nhận sản phẩm, thử nghiệm viên, giám định viên, kiểm định viên, chuyên gia đánh giá công nhận, chuyên gia năng suất chất lượng để hình thành đội ngũ chuyên gia đánh giá sự phù hợp của Việt Nam.
Tại khoản 7 Điều 19 về quyền của tổ chức đánh giá sự phù hợp: bổ sung quy định thu chi phí chứng nhận theo quy định tại Điều 58 của Luật này để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Sửa đổi, bổ sung Điều 25 về đánh giá sự phù hợp
– Tại khoản 1, bổ sung điểm c quy định về thử nghiệm trọng tài/thử nghiệm kiểm chứng.
– Tại điểm b khoản 5, sửa đổi theo hướng các tổ chức đánh giá sự phù hợp phải được công nhận hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng để bảo đảm hoạt động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp, hội nhập kinh tế quốc tế.
– Bổ sung điểm d khoản 5 quy định điều kiện đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp ở nước ngoài thực hiện đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam để thi hành các cam kết về loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP…
– Bổ sung khoản 6 quy định về thừa nhận kết quả đánh giá chỉ định giữa các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giải quyết khó khăn, vướng mắc hiện nay như một tổ chức đánh giá sự phù hợp bị tiến hành đánh giá năng lực nhiều lần, gây tốn kém, lãng phí cho xã hội.
Tại khoản 5 Điều 69 về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ KH&CN: bổ sung quy định giao Bộ KH&CN quản lý hoạt động đào tạo chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý, chuyên gia đánh giá chứng nhận sản phẩm, thử nghiệm viên, giám định viên, kiểm định viên, chuyên gia đánh giá công nhận, chuyên gia năng suất chất lượng để hình thành đội ngũ chuyên gia đánh giá sự phù hợp của Việt Nam.
Theo VietQ