Sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT và Luật CLSPHH: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng TưTháng Tư 12, 2022 | 9:24 - Lượt xem: 1370
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định mới trong hai Luật TC&QCKT và Luật CLSPHH sẽ tác động mạnh mẽ không chỉ trong công tác quản lý mà còn thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ngày 16/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2114/QĐ-TTg kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm vụ Quốc khóa khóa XV, trong đó giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Luật CLSPHH).
Luật TC&QCKT số 68/2006/QH11 được Quốc hội Khóa XI kỳ họp thứ 9 thông qua gồm 07 Chương và 71 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 và Luật CLSPHH số 05/2007/QH12 được Quốc hội Khóa XII kỳ họp thứ 2 thông qua gồm 07 Chương và 72 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008 đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam.
Về cơ bản, hệ thống các văn bản hướng dẫn 02 luật nêu trên đã được hoàn thiện, góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hoạt động chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới phương thức quản lý chất lượng theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp; là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn/ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cũng như hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất kinh doanh; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và hàng hóa của mình; bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước, đồng thời xác định trách nhiệm và phân công hợp lý giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, thực tiễn hơn 15 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật TC&QCKT và Luật CLSPHH đã bộc lộ những bất cập nhất định, ví dụ như về chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia, xã hội hoá hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, hoạt động đánh giá sự phù hợp; về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên ứng dụng mã số, mã vạch, kiểm soát viên chất lượng; có sự chồng chéo nhất định giữa các quy định tại các Luật và các văn bản hướng dẫn Luật khác như Luật CLSPHH, Luật Dự trữ quốc gia, Luật An toàn thực phẩm.
Các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật được ban hành rải rác, chưa đảm bảo tính kịp thời. Một số văn bản chậm được xây dựng, hoặc được xây dựng, sửa đổi, bổ sung trong thời gian quá dài, chất lượng văn bản chưa cao, nội dung chưa cụ thể, rõ ràng, minh bạch và thống nhất, dẫn đến cách hiểu khác nhau … và một số vướng mắc khác.
Từ những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực thi, mục tiêu đặt ra là sửa đổi những quy định chưa phù hợp và bổ sung những quy định mới chưa có trong 02 Luật nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như yêu cầu thực tiễn của xã hội về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thương mại tự do.
Hiện tại, việc bổ sung quy định mới chưa có trong Luật TC&QCKT sẽ tập trung vào việc xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và trách nhiệm minh bạch hóa của Việt Nam theo cam kết tại các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP), do bởi trong các FTA đều có một điều về cam kết minh bạch hóa liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp. Nội dung của quy định này yêu cầu các nước thừa nhận tầm quan trọng của tính công khai, minh bạch liên quan đến hoạt động xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong việc thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế, khu vực như: tham vấn công khai, các bên quan tâm được phép tham gia tham vấn trong quá trình xây dựng, đánh giá tác động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp…
Bên cạnh đó, Luật CLSPHH dự kiến bổ sung các quy định về tăng cường năng lực, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia do bởi hệ thống hạ tầng chất lượng (QI-Quality infrastructure) là sự tổng hợp các chính sách, luật, quy định, quyết định hành chính để thiết lập và thực hiện hoạt động tiêu chuẩn hóa, đo lường, công nhận và các dịch vụ đánh giá sự phù hợp nhằm cung cấp bằng chứng rằng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu quy định và yêu cầu của các cơ quan thẩm quyền.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định mới trong 2 Luật sẽ tác động mạnh mẽ không chỉ trong công tác quản lý mà còn thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tại Việt Nam, hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), các nguyên tắc, biện pháp để tổ chức thực hiện nhằm theo dõi, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế chưa được quy định, làm rõ.
Việc tăng cường năng lực, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam là yêu cầu, giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia sẽ là cơ sở để xác định các mục tiêu, định hướng phát triển trung, dài hạn của hệ thống tiêu chuẩn, làm nền tảng pháp lý cho việc hoạch định các cơ chế, chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn hóa của nước ta trong các giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, việc bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm minh bạch hóa là hết sức cần thiết để đảm bảo việc tuân thủ các cam kết trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, tăng cường thực thi các Hiệp định FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEPT…) về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm giảm thiểu các rào cản kỹ thuật, cải tiến năng suất chất lượng, hỗ trợ hàng xuất khẩu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Lê Bích Ngọc – Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế – Thanh tra