Sự tham gia của thanh niên đối với năng suất toàn diện (phần 3) – Bài học từ thực tiễn của Nhật Bản

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Bảy 9, 2024 | 10:33 - Lượt xem: 331

Chính phủ Nhật Bản duy trì cơ sở dữ liệu việc làm và quản lý phúc lợi bảo hiểm thất nghiệp tại các trung tâm dịch vụ việc làm, có tên là “Hello Work”. Chính phủ cũng thúc đẩy hệ thống thẻ việc làm để xác định nghề nghiệp và kỹ năng. Hơn nữa, Chính phủ đã thiết lập một hệ thống tuyển sinh các nhà tư vấn nghề nghiệp và tạo ra hệ thống kiểm tra để chứng nhận kỹ năng làm việc. Các ngành công nghiệp tư nhân cung cấp cho thanh niên thông tin về tuyển dụng, giờ làm việc, các kỹ năng cần thiết, khả năng phát triển năng lực dạy nghề và giáo dục thông qua việc thực tập. Các tổ chức giáo dục bao gồm các trường đại học và trung học, không chỉ cung cấp giáo dục mà còn hỗ trợ nghề nghiệp để kết nối thanh niên và nhà tuyển dụng trực tiếp hoặc thông qua các trung tâm Hello Work.

Tình hình việc làm của thanh niên Nhật Bản

Theo Chỉ số Phát triển Thế giới của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Nhật Bản đã giảm từ 4,49% năm 1991 xuống 3,90% vào năm 2019, trong khi tổng tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2,10% lên 2,40% trong cùng thời kỳ. Do đó, số lượng lao động thanh niên Nhật Bản đã được cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, năng suất lao động của nước này vẫn thấp hơn so với các thành viên APO khác..

Tại Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động Phúc lợi và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) đã cùng nhau khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học và trung học dạy nghề kể từ ngày 01/4/2021 và thông báo rằng tỷ lệ có việc làm là 96% trong tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học (95% đối với nam, 97,2% đối với nữ) và 100% trong số sinh viên tốt nghiệp trung học kỹ thuật – dạy nghề.

Vai trò của Chính phủ, các ngành công nghiệp và tổ chức giáo dục trong việc thúc đẩy việc làm cho thanh niên

Chính phủ Nhật Bản duy trì cơ sở dữ liệu việc làm và quản lý phúc lợi bảo hiểm thất nghiệp tại các trung tâm dịch vụ việc làm, có tên là “Hello Work”. Chính phủ cũng thúc đẩy hệ thống thẻ việc làm để xác định nghề nghiệp và kỹ năng. Hơn nữa, Chính phủ đã thiết lập một hệ thống tuyển sinh các nhà tư vấn nghề nghiệp và tạo ra các hệ thống kiểm tra để chứng nhận kỹ năng làm việc.

Các ngành công nghiệp tư nhân cung cấp cho thanh niên thông tin về tuyển dụng, giờ làm việc, các kỹ năng cần thiết, khả năng phát triển năng lực dạy nghề và giáo dục thông qua việc thực tập. Các tổ chức giáo dục bao gồm các trường đại học và trung học, không chỉ cung cấp giáo dục mà còn hỗ trợ nghề nghiệp để kết nối thanh niên và nhà tuyển dụng trực tiếp hoặc thông qua các trung tâm Hello Work.

Các dự án tạo việc làm nhằm phục hồi kinh tế khu vực

Kể từ năm tài khóa 2016, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã triển khai Dự án “Tạo việc làm để phục hồi khu vực” nhằm đảm bảo ổn định cho các công việc toàn thời gian trong khu vực. Dự án trợ cấp các chi phí cần thiết trong tối đa 03 năm (có thể lên tới 03 năm 02 tháng cho tiến trình phục hồi việc làm trong khu vực năm tài chính 2020) cho một dự án có hiệu quả cao trong việc đảm bảo việc làm toàn thời gian trong số nhiều dự án do các đơn vị chính quyền địa phương đề xuất

Mục đích chính của các dự án hiện tại là đảm bảo cơ hội có việc làm ổn định, chất lượng cao thông qua thay đổi mô hình và cải thiện điều kiện làm việc kết hợp với các chính sách công nghiệp, đồng thời thúc đẩy ổn định việc làm và phát triển năng lực bằng cách khôi phục việc làm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19, từ đó tăng cường cải thiện năng suất khu vực và cơ sở kinh tế.

Đại diện BCH Đoàn Thanh niên tham dự khoá đào tạo Phát triển thực hành nâng cao năng suất cho thanh niên.

Sau khi chính quyền địa phương nhận được sự chấp thuận của Hội đồng địa phương (bao gồm tổ chức kinh tế, chuyên gia học thuật, liên đoàn lao động, tổ chức tài chính, Cục Lao động và Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, Chính phủ sẽ chọn một dự án có khả năng hiệu quả trong việc đảm bảo việc làm toàn thời gian thông qua việc lựa chọn giữa các đề xuất do chính quyền địa phương gửi.

Có hai danh mục mục tiêu: (1) chiến lược các ngành công nghiệp (ví dụ: nông nghiệp, xây dựng, y tế, công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ,…); (2) các lĩnh vực bị ảnh hưởng đặc biệt bởi COVID-19 (ví dụ: du lịch và lưu trú, nhà hàng, sản xuất,…). Thời gian thực hiện lên tới 03 năm và chi phí dự án tối đa là 250 triệu Yên (khoảng 2,16 triệu USD tính đến tháng 4/2022). Chính phủ hỗ trợ 80% chi phí. Tuy nhiên, trong một trường hợp đặc biệt, một dự án mới là “Kiểm soát Nhiễm trùng Vi-rút Corona” đã được trợ cấp đến 90% chi phí. Tính đến tháng 8/2021, Chính phủ đã chấp nhận 55 dự án tạo việc làm.

Ví dụ 1: Dự án giới thiệu và phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chuyển đổi số cho thế hệ trẻ tỉnh Hyogo. Dự án bao gồm các lĩnh vực tiên tiến như: hàng không vũ trụ, robot, môi trường và năng lượng, y tế và chăm sóc y tế, vật liệu mới,… mà tỉnh Hyogo đã xác định là các ngành chiến lược ưu tiên dự kiến sẽ phát triển trong tương lai theo chính sách trọng tâm của chính quyền tỉnh về kinh tế và việc làm. Dự án kéo dài 03 năm từ 2021 đến 2023 với ngân sách 750 triệu Yên và mục tiêu là tạo ra 873 việc làm toàn thời gian trong toàn tỉnh.

Để thực hiện, có ba trụ cột của dự án. Thứ nhất, Sở Công nghiệp và Lao động sẽ là trung tâm chính quyền, bao gồm các tổ chức liên quan đại diện cho các tổ chức thương mại, công nghiệp và lao động cũng như các chuyên gia bên ngoài như chuyên gia học thuật, để đảm bảo thực hiện hiệu quả và suôn sẻ.

Thứ hai, để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp, chính quyền địa phương sẽ tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức và tư vấn về chuyển đổi số, cung cấp chuyên gia hỗ trợ cho từng công ty. Ngoài ra, các hội thảo và tọa đàm sẽ được tổ chức để phát triển và đảm bảo nguồn nhân lực có năng lực kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các công ty, đồng thời đưa ra lời khuyên về thiết kế công việc ngành công nghệ thông tin và truyền thông, hệ thống xây dựng, an ninh,…

Thứ ba, để hỗ trợ cho người tìm việc, điều phối viên và nhân viên hỗ trợ kỹ thuật sẽ được phân công, đồng thời sẽ tổ chức các hội thảo về việc sử dụng AI và IoT cho sinh viên mới tốt nghiệp và những người muốn nghỉ việc do COVID-19.

Ví dụ 2: Dự án phục hồi việc làm sau đại dịch COVID-19 tại tỉnh Miyazaki. Dự án này tập trung vào 4 lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 gồm: (1) nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, (2) sản xuất, (3) vận tải, (4) dịch vụ lưu trú và ăn uống. Dự án kéo dài từ năm 2021 đến năm 2023 với ngân sách 570 triệu Yên và mục tiêu là tạo ra 585 việc làm toàn thời gian ở tỉnh Miyazaki thuộc vùng Kyushu.

Làn sóng dân số trẻ tăng cùng với các giải pháp chống suy giảm dân số đã trở thành vấn đề lớn thúc đẩy các sáng kiến nhằm thu hút người trẻ tham gia vào các ngành công nghiệp như kinh doanh thực phẩm tại tỉnh Miyazaki. Tuy nhiên, nền kinh tế, công nghiệp và việc làm của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của COVID-19. Vì vậy, để giảm thiểu tác động của COVID-19 và xây dựng nền công nghiệp và việc làm bền vững để có thể ứng phó với những thay đổi mới, cần thiết phải cung cấp sự hỗ trợ về việc làm ví dụ như giúp đỡ các công ty trong quản lý đa dạng và cải thiện kỹ năng tìm kiếm việc làm của những người bị thất nghiệp do ảnh hưởng của COVID-19.

Để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp, chính quyền địa phương sẽ cung cấp hỗ trợ chi tiết đi kèm cho các nhà điều hành doanh nghiệp có động lực đa dạng hóa,… hỗ trợ cải tiến quy trình kinh doanh sử dụng công nghệ thông tin truyền thông. Ngoài ra, từ giai đoạn hình thành đến thực hiện, chính quyền địa phương cũng sẽ cung cấp hỗ trợ chi tiết, phù hợp như cử chuyên gia theo từng pha và hỗ trợ kết nối với các công ty khác.

Các hội thảo về cải tiến quy trình kinh doanh sẽ được tổ chức và cử chuyên gia đến hỗ trợ cải tiến quy trình kinh doanh theo tình hình thực tế của từng công ty. Để đáp ứng nhu cầu mới sau COVID-19, một điều phối viên toàn thời gian sẽ được phân công để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp mới, bao gồm thúc đẩy sử dụng thương mại điện tử và đánh giá doanh nghiệp hiện có, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo nhằm học hỏi kỹ năng mới và cải thiện kỹ năng hiện có.

Để hỗ trợ những người tìm việc, chính quyền địa phương sẽ cung cấp đào tạo nâng cao kỹ năng, trải nghiệm tại nơi làm việc và hỗ trợ phổ biến thông tin việc làm một cách hiệu quả cho những người tìm việc đã rời bỏ công ty vì lý do liên quan đến COVID-19. Để thúc đẩy việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, lĩnh vực dự kiến tăng trưởng, sẽ cung cấp hỗ trợ tích hợp cho người tìm việc, bao gồm hỗ trợ tiếp thu công nghệ cơ bản cần thiết cho kỹ sư công nghệ thông tin và hỗ trợ việc làm bằng cách phổ biến thông tin việc làm một cách hiệu quả. Để thúc đẩy việc làm và ngăn chặn tình trạng không phù hợp sau khi tuyển dụng, chính quyền địa phương sẽ cung cấp trải nghiệm làm việc tại các tập đoàn nông nghiệp trong thời gian nhất định và cung cấp hỗ trợ việc làm sau đó. Hơn nữa, chính quyền địa phương sẽ tổ chức các buổi tư vấn, tọa đàm, hội thảo để cung cấp các kỹ năng chuyên môn cần thiết cho việc làm.

Ví dụ 3: Dự án thử thách Kyoto “Sự năng động của công dân”. Tại tỉnh Kyoto, dự án chủ yếu tập trung vào (1) sản xuất và (2) các lĩnh vực liên quan đến du lịch (ví dụ: dịch vụ lưu trú và ăn uống, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ vận tải và bưu chính, dịch vụ liên quan đến lối sống và giải trí). Dự án kéo dài 03 năm 02 tháng từ năm 2020 đến năm 2023 với ngân sách 710 triệu Yên và mục tiêu là tạo ra 1.000 việc làm toàn thời gian trong toàn tỉnh.

Đối với xã hội hậu COVID-19, cảm giác thiếu hụt lao động trong công ty có thể chuyển thành cảm giác làm việc quá sức (đặc biệt đối với các công ty lớn). Mặt khác, xu hướng dài hạn liên quan đến giảm tỷ lệ sinh và già hóa dân số dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Vì thế, cần có những nỗ lực để thúc đẩy sự thay đổi mô hình công nghiệp thông qua chuyển dịch mạnh mẽ nguồn nhân lực giữa các công ty từ tập đoàn lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như giữa những người từ các lĩnh vực công nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sang các lĩnh vực liên quan đến thông tin nhằm hỗ trợ cơ sở hạ tầng công nghiệp và lối sống.

Để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các công ty về quy trình “thiết kế” như thiết kế sản phẩm bằng cách cử chuyên gia (nhà thiết kế) đến các công ty có mục tiêu chuyển đổi kinh doanh. Chính quyền địa phương cũng sẽ hỗ trợ chuyển đổi và đa dạng hóa ngành thông qua sản xuất mới và các sáng kiến khác như tổ chức hội thảo để trao đổi và hợp tác.

Thông qua các buổi nghiên cứu dành cho các công ty, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ phát triển sản phẩm tiếp tục mang lại giá trị cho người tiêu dùng, cải tiến công nghệ và phát triển kênh bán hàng cũng như mở rộng sang các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp bằng cách thúc đẩy các hội thảo phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi ngành sang các lĩnh vực mở rộng thị trường như y tế, chăm sóc y tế, chăm sóc điều dưỡng,… và đào tạo phát triển nhân lực công nghệ thông tin dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng những người sẽ thay đổi nghề nghiệp sang các công việc dựa trên công nghệ thông tin.

Để hỗ trợ người tìm việc, chính quyền địa phương sẽ thành lập “Trung tâm sáng tạo tích cực suốt đời”, một cơ sở giáo dục thường xuyên dành cho người lớn đang đi làm, để hỗ trợ thay đổi nghề nghiệp và tạo điều kiện cho sự chuyển dịch ra ngoài các ngành và nghề thông qua tư vấn, đào tạo, tập trung và phổ biến thông tin giáo dục thường xuyên và thực hiện giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ tổ chức các cuộc họp kết nối quy mô nhỏ, phát triển các công ty tuyển dụng, hỗ trợ kết nối, hỗ trợ “hội thảo về tư duy” (xem xét điểm đến việc làm từ góc độ nhiều khía cạnh) hợp tác với các nhóm ngành, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ kết nối thông qua người lao động và các cuộc họp trao đổi doanh nghiệp (tuyển dụng chú trọng vào tính cách). Hơn nữa, chính quyền địa phương sẽ phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo giới thiệu kỹ thuật để nâng cao hiểu biết về các ngành nghề như trong ngành xây dựng và sản xuất web.

(còn tiếp)

Đoàn thanh niên Ủy ban TCĐLCLQG

(dịch từ: Dr. Akira Murata (2022), Productivity Insights Vol. 2-7, Inclusive Productivity: Engaging the Youth. Asian Productivity Organization (APO).