Sửa đổi Thông tư 23/2007/TT-BKHCN phục vụ hoạt động quản lý trong tình hình mới
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười Một 6, 2019 | 8:34 - Lượt xem: 2134
Trong hơn 55 năm qua, hoạt động tiêu chuẩn hóa nói chung và hoạt động xây dựng và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật nói riêng ở Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Với việc ra đời của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, đã tạo một hành lang pháp lý quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đắc lực phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội của đất nước qua các thời kỳ và đưa hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đi vào nền nếp, đáp ứng hoạt động hợp tác quốc tế trong thời kỳ mới.
Năm 2007, Việt Nam phải thực hiện các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, theo đó yêu cầu hệ thống pháp luật Việt Nam phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Hiệp định WTO/TBT, chính vì vậy hàng loạt các văn bản hướng dẫn Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ra đời trong đó có Thông tư 23/2007/TT-BKHCN (Thông tư 23) của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn này, hoạt động lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, ban hành, áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật đã có bài bản, được kiểm tra, rà soát thường xuyên của cơ quan nhà nước. Thông tư 23 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước, thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống QCVN, QCĐP trong bối cảnh hội nhập WTO, tuân thủ luật chơi quốc tế; đồng thời hỗ trợ công tác quản lý, xây dựng rào cản kỹ thuật hợp pháp, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Đến nay hệ thống QCVN đã có gần 780 QCVN (do 13 Bộ quản lý xây dựng, ban hành) trải dài trên nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kiểm soát môi trường và trên 12 QCĐP (tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng), góp phần hỗ trợ hiệu quả quản lý nhà nước cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trải qua hơn 12 năm thực hiện, một số nội dung trong Thông tư 23 đã không còn phù hợp với tình hình mới. Với những thay đổi trong chính sách quản lý, Luật Đầu tư kiểm soát chặt chẽ các Bộ hơn trong quy định về điều kiện kinh doanh nên một xu thế hiện này là các bộ quản lý chuyên ngành tăng cường xây dựng QCVN theo xu thế chia lẻ đối tượng quản lý, lồng ghép các yêu cầu kỹ thuật có tính chất điều kiện kinh doanh gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Mặt khác, trong thời gian gần đây các địa phương cũng chú trọng, tăng cường xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) trong khi các quy định hướng dẫn hiện hành trong xây dựng, thẩm định QCĐP chưa đẩy đủ khiến cho chúng rất dễ tạo ra rào cản kỹ thuật, ngăn cản giao thương sản phẩm hàng hóa giữa các tỉnh thành, địa phương…
Nhận thức được tầm quan trọng của QCKT, Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ đã giao Bộ KHCN khẩn chương nghiên cứu, soát xét, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết những bất cập này, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm chi phí doanh nghiệp. Bên cạnh đó, căn cứ Nghị định số 78/2018/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã đưa ra một số quy định mới liên quan tới quy chuẩn kỹ thuật, nhằm đổi mới công tác xây dựng, thẩm định, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật thời gian qua bằng việc bổ sung một số quy định mới về nguyên tắc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, đổi mới cơ chế tài chính hỗ trợ xã hội hóa hoạt động tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, nội dung của quy chuẩn kỹ thuật, vai trò của Bộ KHCN là của cơ quan đầu mối trong kiểm soát, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của quy hoạch, kế hoạch xây dựng QCVN, cũng như làm rõ nội dung thẩm định QCVN nhằm loại bỏ chồng chéo, nâng cao chất lượng nội dung quy chuẩn. Đây cũng chính là nội dung Thông tư thay thế Thông tư 23/2007/TT-BKHCN hướng tới nhằm giải quyết xử lý về cơ chế quản lý, xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với tình hình mới.
Cùng với quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư, Quyết định) về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy hội nhập. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trong cải thiện hoạt động tiêu chuẩn hóa nói chung và xây dựng, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật nói riêng, trong thực tiễn triển khai áp dụng cũng đã bộc lộ ra những điểm cần điều chỉnh cho phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, tình hình thực tế cũng như đảm bảo việc thực thi các cam kết của Hiệp định FTA thế hệ mới. Do đó, việc xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư 23/2007/TT-BKHCN về hướng dẫn, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật là vấn đề cấp bách đặt ra trong thời điểm hiện tại.
Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn