Sớm hình thành một hệ sinh thái về sản xuất thông minh tại Việt Nam
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Chín 10, 2019 | 9:43 - Lượt xem: 1401
Thông tin trên được TS.Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL nhấn mạnh tại tọa đàm về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh tại Việt Nam diễn ra ngày 9/9 tại Hà Nội.
Sự kiện có sự tham gia của TS. Andreas Hauser, Giám đốc TUV SUD Digital Service và ông Jackie Tan, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực sản xuất tiên tiến, TUV SUD Digital Service cùng đại diện các bộ, ngành và doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực sản xuất thông minh tại Việt Nam.
Tọa đàm về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh tại Việt Nam diễn ra chiều ngày 9/9 tại Hà Nội.
Tọa đàm được Tổng cục TCĐLCL tổ chức dưới sự điều hành của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Hà Minh Hiệp cho biết, chuyển đổi tiếp cận công cụ sản xuất thông minh, sớm hình thành một hệ sinh thái về sản xuất thông minh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất… là nội dung đang được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh tận dụng những lợi ích tích cực từ thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.
“Tổ chức năng suất châu Á- APO những năm gần đây đặc biệt quan tâm đến đổi mới hoạt động năng suất trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0, do đó, việc đẩy nhanh chuyển đổi các phương pháp tiếp cận của APO để cải thiện năng suất được tổ chức này triển khai cho các quốc gia thành viên đã gợi mở cho Việt Nam hướng tiếp cận mới trong hoạt động nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh”, ông Hiệp nói.
TS.Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.
TS. Andreas Hauser, Giám đốc TUV SUD Digital Service.
Theo đó, Việt Nam là một trong những nước sớm tiếp cận về sản xuất thông minh dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông minh, các doanh nghiệp Việt cần tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất của mình. Trong thời gian tới với sự hợp tác của TUV SUD Digital Service – một tổ chức doan nghiệp hàng đầu về sản xuất thông minh với Tổng cục sẽ triển khai thí điểm đánh giá mô hình sản xuất thông minh ở Việt Nam.
Đồng thời, Tổng cục sẽ xây dựng hệ sinh thái để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất thông minh, trong đó bao gồm: nhà sản xuất, doanh nghiệp, nhà tư vấn tài chính, nhà tư vấn công nghệ, cơ quan tư vấn chính sách…, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp chia sẻ.
Tại tọa đàm, chuyên gia đến từ của TUV SUD Digital Service cũng đưa ra những thông tin về xu thế phát triển của nền công nghiệp 4.0 và cho rằng điều cốt yếu chính là phải chuyển đổi từ vĩ mô thành cụ thể.
Toàn cảnh tọa đàm.
Giám đốc TUV SUD Digital Service -TS. Andreas Hauser cũng đưa ra bộ chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng đối với công nghiệp 4.0 và những khuyến nghị giúp doanh nghiệp sẵn sàng trong việc chuyển đổi. “Thứ nhất là bước khởi đầu phải xác định được nhu cầu của doanh nghiệp là gì, thứ hai xác định các giải pháp dựa trên tình hình thực tế của doanh nghiệp, tiếp đến là bước triển khai và vận hành, đây là bước phải đảm bảo được triển khai một cách an toàn, bền vững và phải đo đếm được hiệu quả”, TS. Andreas Hauser nhấn mạnh.
Tiếp nối vấn đề, TS. Hà Minh Hiệp cũng cho rằng, các khuyến nghị của chuyên gia TUV SUD Digital Service rất quan trọng, các thông tin này sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam nhận diện, chuyển đổi như thế nào, biết mình đang ở đâu, tình trạng như nào và cần cải tiến gì, xây dựng kế hoạch và triển khai…
“Phương án để các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận nhiều hơn, hiệu quả hơn về công nghiệp 4.0 là trong thời gian tới các doanh nghiệp phải được đào tạo để hiểu rõ hơn về công nghiệp 4.0”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Chính phủ Singapore đã xây dựng một bộ chỉ số đánh giá với tên gọi Chỉ số Mức độ sẵn sàng công nghiệp thông minh Singapore Bộ chỉ số là công cụ đầu tiên trên thế giới ứng dụng cho Công nghiệp 4.0, do chính phủ Singapore phát triển để thúc đẩy phát triển Công nghiệp 4.0 (sản xuất thông minh) ở cấp độ quốc gia và doanh nghiệp. Bộ chỉ số này được xây dựng trên cơ sở hợp tác với TÜV (CHLB Đức), một tổ chức đào tạo, chứng nhận toàn cầu, và được Hội đồng tư vấn công nghiệp quốc gia Singapore, với các chuyên gia đầu ngành công nghiệp thẩm định, đánh giá. Bên cạnh đó, Bộ chỉ số được thiết kế, xây dựng, hoàn thiện một cách toàn điện với sự tham gia phối hợp của các công ty đến từ tất cả các ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp có quy mô khác nhau. Ở cấp độ doanh nghiệp, bộ chỉ số đưa ra cách tiếp cận 3 bước: công nghệ, quản lý quá trình/chuỗi cung ứng, mô hình tổ chức thực tiện để giúp các nhà sản xuất hiểu được khái niệm Công nghiệp 4.0, đánh giá tình trạng hiện tại tại cơ sở sản xuất, xây dựng lộ trình chuyển đổi doanh nghiệp và mang lại giá trị phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Ở cấp quốc gia, bộ chỉ số là thước đo đánh giá, xác định mức độ phát triển của một ngành và giữa các ngành công nghiệp, cho phép các cơ quan chính phủ hoạch định chính sách tốt hơn để can thiệp vào từng lĩnh vực cụ thể, giúp đẩy nhanh chuyển đổi trong các ngành công nghiệp. |
Bảo Anh