‘Siết’ tiêu chuẩn, chất lượng: Áp lực giúp doanh nghiệp thay đổi và lớn mạnh
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng TưTháng Tư 16, 2020 | 10:01 - Lượt xem: 1244
Khi hội nhập kinh tế quốc tế, không nên nghĩ các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu, phải xem rào cản là áp lực để doanh nghiệp tự thay đổi và mạnh lên.
EVFTA mở ra cơ hội lớn
Đề cập lợi ích và cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù Việt Nam nỗ lực nâng cao chất lượng, bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn cho sản phẩm xuất khẩu, song phía EU cũng đưa ra hàng loạt quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, buộc nhà xuất khẩu phải bảo đảm chất lượng hàng hóa.
Đơn cử, EU quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Đối với các sản phẩm rau quả tươi, doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về MRLs và ngăn ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn, đó là những điều kiện tiên quyết khi muốn thâm nhập thị trường EU.
“Khi EVFTA chính thức có hiệu lực thì lợi thế xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường rộng lớn của EU được mở ra. Khi hội nhập kinh tế quốc tế, không nên nghĩ các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu, phải xem rào cản là áp lực để doanh nghiệp tự thay đổi và mạnh lên.” – TS. Lê Đăng Doanh |
Yêu cầu đặt ra là phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, rào cản kỹ thuật cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cam kết trong EVFTA. Bên cạnh đó, để sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường EU, nông dân phải chuyển hướng sang canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế.
Doanh nghiệp nông nghiệp trong nước có thể hợp tác với các doanh nghiệp EU bằng cách mời họ cùng hợp tác, canh tác, sau đó tham gia vào chuỗi giá trị thông qua sự phối hợp, kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà phân phối tại EU, từ đó làm gia tăng giá trị nông sản xuất khẩu.
Bên cạnh những lợi thế cho ngành nông nghiệp, EVFTA cũng là tín hiệu vui cho doanh nghiệp các ngành khác, bao gồm cả ngành dệt may, da giày.
Theo TS Lê Đăng Doanh, đối với sản phẩm dệt may, EU đòi hỏi đầu vào phải từ vải có hàm lượng tối thiểu của nước xuất khẩu. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn cắt may chứ chưa sản xuất nguyên liệu vải và sợi.
Đáp ứng quy tắc xuất xứ của vải đầu vào là khâu yếu của dệt may Việt Nam khi phải nhập đến 80% vải cho hàng may xuất khẩu, 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan… Lo ngại ở chỗ, Trung Quốc và Đài Loan không tham gia các hiệp định thương mại lớn. Điều này có nghĩa, nếu duy trì tình trạng nhập khẩu vải nhiều, Việt Nam không tận dụng được ưu đãi về thuế quan.
Nhằm giải quyết bài toán nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may, da giày, doanh nghiệp cần chuyển hướng sang sử dụng vải của mình hoặc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước thành viên EU để đáp ứng các yêu cầu xuất xứ hàng hóa. Việt Nam buộc phải cải cách, vươn lên và đầu tư vào các sản phẩm dệt để sản xuất ra vải nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường EU chứ không thể phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc, ông Doanh cho biết.
Tương tự đối với dệt may và da giày, đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ muốn xuất khẩu tốt vào thị trường EU cũng cần bảo đảm nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu. Việt Nam rất giỏi làm đồ thủ công mỹ nghệ và có thể làm đẹp những sản phẩm gỗ của thời Vua Louis thứ 16, Louis thứ 14. Các sản phẩm này được người tiêu dùng EU ưa chuộng. Tuy nhiên, để được thị trường EU chấp nhận thì nhà xuất khẩu phải chứng minh được nguồn gốc gỗ của Việt Nam, Lào hay Campuchia, đồng thời phải chứng minh đó là gỗ của rừng trồng chứ không phải gỗ khai thác từ rừng tự nhiên.
Thay đổi để lớn mạnh
Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường EU, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần có những thay đổi. “Chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế thì phải sống cùng quốc tế. Không nên nghĩ rằng, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu. EU áp dụng rất nhiều quy định đối với hàng nhập khẩu của các nước chứ không riêng hàng nhập khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh lên. Rào cản thương mại chỉ làm doanh nghiệp mạnh lên chứ không hề yếu đi. Có thể những quy định của EU chúng ta khó đáp ứng được ngay nhưng sau đó sẽ làm được”, ông Doanh nói.
Ông Doanh nhấn mạnh, khó khăn là thách thức nhưng không có hại. “EVFTA là hiệp định thương mại tự do có mức cam kết cao nhất trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam từng ký kết, mở ra cơ hội to lớn cho thương mại và cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hãy cùng nhìn về phía trước để tự thay đổi chính mình và mạnh mẽ tiến lên”, ông Doanh chia sẻ.
Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU. Tuy nhiên, để khai thác được thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể đứng vững khi bước chân ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu.
Bảo Anh