Siết chặt khâu sản xuất, bài toán chất lượng mũ bảo hiểm sẽ được khơi thông
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Sáu 7, 2017 | 21:16 - Lượt xem: 2118
Chấn thương sọ não tăng cao vì người dùng ‘bơ’ mũ xịn
Theo thống kê đến hết quý 3/2017, số lượng mô tô, xe máy đang lưu hành tại thành phố là 7.339.522 xe. Với con số này, ước tính nhu cầu sử dụng MBH tương xứng khá cao từ 8 – 10 triệu mũ.
Tuy nhiên, lựa chọn một chiếc mũ phù hợp, đạt quy chuẩn lại khiến nhiều người bối rối giữa ma trận MBH được bày tràn lan trên vỉa hè, các quầy, xe đẩy ở nhiều tuyến đường tại các thành phố lớn như ở Hà Nội và TP.HCM. Vì giá rẻ, chỉ từ 30.000 đồng một mũ, nhiều người mua về sử dụng, dù mũ không nhãn mác, không dấu CR….
Theo thống kê của WHO tại Việt Nam, tỷ lệ đội MBH rởm, mũ giả MBH lớn dẫn đến tình trạng chấn thương sọ não tăng cao
Theo đánh giá của ông Khuất Việt Hùng – Phó chánh văn phòng UBATGT Quốc gia, hiện nay trên cả nước có khoảng 40% MBH kém chất lượng đang tồn tại trên thị trường, trong đó tỉ lệ MBH chưa đạt chuẩn ở phía Bắc chiếm khá lớn.
Thực tế cho thấy, không khó để bắt gặp những chiếc mũ lưỡi trai, mũ bảo hộ lao động, và nhiều loại mũ đủ màu sắc, kiểu dáng, kích cỡ sai quy cách khác được người tham gia giao thông thản nhiên sử dụng bất chấp những hiểm họa mang lại.
Theo đánh giá của WHO tại Việt Nam, 90% người tham gia giao thông đội mũ thế nhưng tỷ lệ đội MBH rởm, MBH giả mạo không đạt chất lượng ngày càng tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Câu hỏi đặt ra, tại sao việc đội MBH có thể giảm 46,9% nguy cơ tử vong và 54,5% nguy cơ chấn thương ở đầu cho người sử dụng, nhưng một bộ phận người tham gia giao thông xem việc đội MBH là một cách đối phó với lực lượng tuần tra, kiểm soát thay vì để bảo vệ tính mạng bản thân?
Bày tỏ sự lo ngại về chất lượng MBH hiện nay, ông Nguyễn Phương Nam, đại diện WHO Việt Nam cho biết: “Trong suốt 4-5 năm, xu thế về chấn thương sọ não nhập viện đều tăng qua các năm. Theo nghiên cứu tại 2 trung tâm ngoại khoa lớn của Việt Nam là Việt Đức và Chợ Rẫy, tỉ lệ nạn nhân nhập viện xấp xỉ 50% nhưng theo bằng chứng trên quốc tế việc MBH đạt chuẩn và đúng cách có thể giảm thiểu cái nguy cơ chấn thương sọ não tới 70%. Thế nhưng người dân nước ta nhập viện tới 50% do chấn thương sọ não. Do vậy cái mũ chúng ta đội đang có vấn đề”.
Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy rằng, “vấn đề” ở chất lượng mũ bảo hiểm xuất phát từ nạn sản xuất mũ bảo hiểm giả mạo, kém chất lượng. Tính tới thời điểm hiện tại, theo số liệu của Tổng cụcTiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, trên 60% các lô mũ bảo hiểm trên thị trường được kiểm tra thiếu tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không có tem chứng nhận chất lượng, không rõ xuất xứ.
Siết sản xuất, mũ bảo hiểm rởm sẽ bị loại ra khỏi thị trường
Chia sẻ về những khó khăn trước tình trạng xử lý các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng, coi thường tính mạng người sử dụng, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, một trong những khó khăn trong thời gian vừa qua là sự linh động của các cơ sở sản xuất giả mạo MBH. Với cách thức mũ giả MBH thì chỉ cần khuôn viên chỉ khoảng 10m vuông hay 15m vuông thì người ta có thể sản suất trăm nghìn mũ bảo hiểm giả mạo.
MBH không đảm bảo quy chuẩn được sản xuất tràn lan, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng
Bên cạnh đó, trước đây các chế tài các quy định sản xuất MBH chưa có, do đó chưa thể xử lí được vấn đề này. Tự do kinh doanh, tự do sản xuất MBH đã làm cho thị trường MBH lộn xộn, không thể kiểm soát.
“MBH có liên quan trực tiếp tới tính mạng của người tham gia giao thông, do đó phải có cách thức chặt chẽ hơn đặc biệt là khâu sản xuất, không chỉ hạn chế việc sản xuất mũ giả MBH mà đối với các đơn vị có đủ điều kiện đề sản xuất đạt chuẩn thì phải duy trì được chất lượng của sản phẩm. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng lô sản xuất MBH có thể đạt nhưng các lô sau không phù hợp tiêu chuẩn”, ông Linh cho biết.
Hiện nay, Nghị định 87/2016/NĐ-CP đã ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 nhằm quản lý chặt chẽ điều kiện sản xuất, kinh doanh MBH nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng. Các yêu cầu về điều kiện sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm theo Nghị định 87/2016/NĐ-CP chặt chẽ hơn nhiều so với quy định cũ, do đó những doanh nghiệp không đủ năng lực đáp ứng các điều kiện sẽ phải loại ra khỏi thị trường.
Nghị định 87/2016/NĐ-CP quy định về việc doanh nghiệp sản xuất phải có đủ các trang thiết bị, dây chuyền sản xuất như: thiết bị ép (đúc/đùn) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ; thiết bị ép (đúc) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút xốp); thiết bị dập (tán) đinh tán (dùng để ghép các cụm chi tiết) đã tạo ra một quy định cực kỳ khắt khe cho nhà sản xuất. Điều này được hy vọng sẽ giúp cho MBH trước khi ra thị trường được quản chặt về chất lượng.
Tại buổi tọa đàm “Điều kiện kinh doanh trong hai lĩnh vực Khoa học công nghệ và Công thương: Nhận diện và kiến nghị” được tổ chức ngày 31/5, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Đưa sản xuất MBH vào điều kiện là phương án cần thiết trong giai đoạn này. Triển khai tốt Nghị định 87 sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, phân phối bảo MBH hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng tới thị trường cạnh tranh phát triển lành mạnh đồng thời người tiêu dùng là những người tham gia giao thông đi mô tô, xe máy có cơ hội lựa chọn và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chất lượng.
“Siết chặt khâu sản xuất, bài toán chất lượng mũ bảo hiểm sẽ được khơi thông”, ông Linh cho biết.