Sẽ sớm chuẩn hóa tem truy xuất nguồn gốc
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 1, 2017 | 9:12 - Lượt xem: 2130
Trong bối cảnh thực phẩm mất an toàn đang bủa vây người tiêu dùng thì dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh là cần thiết và được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia về kinh tế thì cần nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống quét mã vạch và mở rộng hơn nữa là chuẩn hóa tem truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy hiệu quả và toàn diện của hoạt động này.
Bộ KH&CN sẽ sớm đưa tem truy xuất nguồn gốc vào “chuẩn” để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng
Khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại TP.HCM về việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trong các chương trình truy xuất nguồn gốc cho rau, quả và thịt lợn tại địa bàn thành phố cho thấy bước đầu đã đem lại các kết quả tích cực như làm thay đổi nhận thức về cách thức canh tác, nuôi trồng của người sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, liên kết. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng cải thiện được niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm được dán tem.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc triển khai tem truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế: Mã vạch áp dụng phục vụ truy xuất nguồn gốc chưa được chuẩn hóa về hình thức và nội dung, thiếu các quy định cụ thể đối với việc khai báo, giám sát và đảm bảo thông tin truy xuất nguồn gốc. Các giải pháp đọc tem chưa thân thiện, phổ thông dẫn đến tình trạng tem nơi đọc được thông tin nơi không, gây hiểu lầm không đáng có đối với người tiêu dùng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, trên bao nhãn sản phẩm hiện nay có rất nhiều loại tem và dấu hiệu như: tem chống giả, mã vạch phục vụ bán lẻ, mã vạch QR của nội bộ đơn vị, nhãn chỉ dẫn địa lý, mã vạch nội bộ của siêu thị…
“Vì tem truy xuất nguồn gốc chưa được chuẩn hóa về hình thức và cách thức nhận diện nên dễ làm cho người tiêu dùng bối rối và nhầm lẫn với các loại tem, dấu hiệu khác từ đó cho rằng “loạn tem””, ông Phú nói.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng ngoài các sản phẩm có gắn tem trong các chương trình, trên thị trường còn có các ản phẩm do các doanh nghiệp không tham gia chương trình đã tự dán tem truy xuất. Những thông tin truy xuất từ con tem của các sản phẩm mày không thống nhất với thông tin truy xuất của tem sản phẩm thuộc chương trình, từ đó làm cho người tiêu dùng nghi ngại về tính thống nhất quản lý tem, cũng như mức độ trung thực của thông tin truy xuất, chuyên gia này cho biết thêm.
Trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ KH&CN khẳng định đã nghiên cứu và tìm hiểu kinh nghiệm triển khai trên thế giới và thấy được các tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn liên quan đến hoạt động truy xuất nguồn gốc của Tổ chức Mã số mã vạch Quốc tế GS1 mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đại diện cho Việt Nam là thành viên chính thức và các tổ chức quốc tế khác là nền tảng cơ bản để xây dựng các văn bản quản lý đối với tem truy xuất nguồn gốc.
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm được triển khai thí điểm tại TP.HCM
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, việc quy định thống nhất về hình thức, nội dung đối với tem truy xuất nguồn gốc nguồn gốc để không nhầm lẫn với các dấu hiệu khác trên sản phẩm, quy định về kích thước, chất lượng tem để đảm bảo có thể đọc được, quy định về các giải pháp đọc tem truy xuất nguồn gốc, quy định về trách nhiệm của các tổ chức cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc… sẽ được triển khai trong thời gian tới.
“Để đẩy mạnh quản lý nhà nước đối với tem truy xuất nguồn gốc, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng trên thị trường thì việc chuẩn hóa tem truy xuất nguồn gốc là hết sức cần thiết”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Tùng, để việc dán tem truy xuất nguồn gốc có hiệu quả cần phải xác định rõ phạm vi truy xuất như truy xuất đến đâu, khâu nào, mức nào trong chuỗi. Quy định rõ nội dung và phạm vi truy xuất sẽ tạo thuận lợi cho các đơn vị xây dựng hệ thống truy xuất xác định được quy mô và yêu cầu tối thiểu khi xây dựng hệ thống truy xuất cũng như các khâu trong chuỗi phải có truy xuất.
Ngoài ra, đây cũng chính là tiêu chí để cơ quan quản lý có thể đánh giá được hệ thống truy xuất nguồn gốc của đơn vị, sản phẩm gắn tem truy xuất nào phù hợp với quy định của từng thị trường, lĩnh vực, ngành và có thể xác định được trách nhiệm các bên khi làm sai quy trình hoặc sản phẩm có sự cố.
Với sự chủ động và quyết tâm cao trong việc triển khai nhằm quản lý thống nhất và thúc đẩy áp dụng hiệu quả, toàn diện tem truy xuất nguồn gốc, Bộ KH&CN đã được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mã số mã vạch liên quan đến truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ KH&CN xây dựng Đề án tổng thể về triển khai, áp dụng, quản lý tem truy xuất nguồn gốc trong phạm vi cả nước.
(Nguồn:vietq.vn)