Sẽ có tiêu chuẩn cho thiết bị camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải

Thứ Hai, Tháng Tám 30, 2021 | 13:00

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đang lấy ý kiến dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về thiết bị camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải được quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Theo đó, TCVN về thiết bị camera giám sát lần này quy định camera là một thiết bị giám sát hành trình công nghệ 4G được gắn thêm đầu thu camera. Bên cạnh đó, TCVN cũng quy định cụ thể về định dạng video, định dạng và kích thước ảnh, thời gian lưu trữ. Thiết bị ghi nhận hình ảnh làm việc của lái xe, với xe khách ghi nhận thêm cửa lên xuống và khoang hành khách. Hình ảnh ghi nhận rõ nét trong mọi điều kiện ánh sáng (kể cả ban đêm) và được đính kèm các thông tin: Biển kiểm soát, thông tin lái xe, tọa độ, thời gian.

Dự thảo TCVN cũng nêu rõ, thay vì lắp cả 2 thiết bị trên xe, chỉ cần lắp 1 thiết bị camera giám sát hành trình. Theo một chuyên gia công nghệ, việc này giúp giảm chi phí duy trì, từ việc duy trì 2 simcard còn 1 simcard, 2 chi phí bảo hành còn 1 chi phí bảo hành, giảm tránh tổn hại ắc quy và hao phí nhiên liệu.

Việc này cũng giảm các thao tác cho người sử dụng: lái xe không phải thao tác nhiều lần quẹt thẻ; chỉ dùng 1 phần mềm; đỡ tốn không gian lắp đặt trên xe; không phải đầu tư thêm thiết bị GSHT 4G bởi công nghệ 2G đã lỗi thời và nhà mạng đang sắp khai tử.

Dự thảo TCVN cho phép tăng độ chính xác của thiết bị bởi ngoài hệ thống định vị của Mỹ mà còn chấp nhận bổ sung thêm các hệ thống định vị khác (Liên minh Châu Âu, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) để tăng độ chính xác, ổn định. Bên cạnh đó, việc cho phép sử dụng camera để nhận dạng lái xe thay cho việc quẹt thẻ, giảm được chi phí thẻ, đầu đọc thẻ và thao tác quẹt thẻ giúp giảm chi phí đầu tư.

TCVN về camera giám sát sẽ là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp sản xuất thiết bị. Khác với Quy chuẩn là bắt buộc, Tiêu chuẩn doanh nghiệp được tự nguyện áp dụng. Doanh nghiệp cung cấp thiết bị camera được lựa chọn áp dụng và công bố theo Tiêu chuẩn.

Ảnh minh họa 

Trước đó, theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau: Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

Camera hành trình còn được gọi là thiết bị giám sát hành trình hay camera giám sát hành trình là hệ thống camera giúp lưu trữ các thông tin ghi được trên suốt quá trình xe lăn bánh. Ngoài ra, camera hành trình còn có khả năng quan sát xung quanh với góc quay rộng, hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Đối với bất cứ phương tiện nào khi tham gia giao thông cũng cần phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Vì thế, việc sử dụng camera hành trình đối với những loại phương tiện phổ biến như ô tô, xe máy là điều hết sức cần thiết.

Phong Lâm