Sản xuất xanh – Mắt xích then chốt cho tăng trưởng bền vững
Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Sáu 5, 2025 | 10:27 - Lượt xem: 113
Theo các chuyên gia kinh tế, phát triển bền vững đã trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại hiện nay, là kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Trong đó, phát triển kinh tế bền vững được xem là nền tảng cốt lõi, tạo tiền đề cho sự tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn xanh là điều không thể thiếu. Những tiêu chuẩn này giúp định hình chất lượng sản phẩm và đặt yếu tố chất lượng làm trọng tâm, qua đó buộc các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất xanh phải có nhận thức rõ ràng hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với tương lai của chính họ cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.
Tăng trưởng xanh và bền vững ngày nay không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển lâu dài của nền kinh tế. Nhiều chính sách toàn cầu như Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang định hình lại phương thức tăng trưởng, hợp tác thương mại và đầu tư toàn cầu. Các chính sách này không chỉ chú trọng đến việc giảm phát thải khí nhà kính mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, buộc các quốc gia xuất khẩu phải điều chỉnh phương thức sản xuất để phù hợp với yêu cầu mới.
Đối với Việt Nam, với nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có, đây là cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu – đặc biệt trong các lĩnh vực như xuất khẩu hàng hóa xanh, năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn.
Việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu đáp ứng tốt các tiêu chuẩn phát triển bền vững không chỉ là điều kiện sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn là cơ hội để nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Thực hiện được điều này sẽ góp phần khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết toàn cầu về phát triển bền vững.
Quá trình chuyển đổi sang mô hình xanh đòi hỏi một chiến lược tổng thể, đồng bộ. Trong đó, Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp; doanh nghiệp cần chủ động đầu tư và triển khai các giải pháp sản xuất xanh; đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành của các bên liên quan để cùng hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế xanh bền vững.