Quy định quản lý về sản phẩm tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử và ghi nhãn điện tử
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Chín 5, 2024 | 17:09 - Lượt xem: 283
Ngày 5/9, trong khuôn khổ hợp tác giữa Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia và Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC), hai bên cùng với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Quy định quản lý của Hoa Kỳ và châu Âu về sản phẩm tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử và ghi nhãn điện tử”.
Tham dự Hội thảo, về phía các tổ chức quốc tế có ông Alexander Hoehn – Saric – Chủ tịch CPSC (tham dự theo hình thức trực tuyến); bà Carolyn Manley – Giám đốc Chương trình, CPSC; ông Steve Williams – Giám đốc Chương trình, CPSC; ông Didier Reynders – Ủy viên Tư pháp Ủy ban châu Âu (tham dự theo hình thức trực tuyến); ông Torben Rahbek – Chuyên gia Cấp cao, SPEAC.
Về phía AmCham Hà Nội có ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành; bà Nguyễn Việt Hà – Phó Chủ tịch; ông Tước Huỳnh – Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số AmCham.
Về phía Ủy ban TCĐLCL Quốc gia có TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch; bà Nguyễn Thị Mai Hương – Trưởng Ban Quản lý chất lượng và Đánh giá sự phù hợp; ông Đoàn Thanh Thọ – Quyền Trưởng Ban Pháp chế – Thanh tra; đại diện các Bộ, ban, ngành, hiệp hội, tổ chức trong và ngoài nước tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia bày tỏ sự cảm ơn đối với CPSC – đối tác lâu dài đã có sự hợp tác và ký biên bản ghi nhớ hợp tác chính thức trước đó. Việc hợp tác, cùng nhau tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong quản lý chất lượng, với những đề xuất hợp tác trong tổ chức đào tạo, tập huấn cho số lượng lớn cán bộ đã đạt những kết quả nhất định.
Theo TS. Hiệp, hội thảo cập nhật quy định của Hoa Kỳ và châu Âu về thương mại điện tử và ghi nhãn điện tử là một trong những hoạt động hữu ích không chỉ cho STAMEQ mà cho doanh nghiệp Việt Nam. “Hiện nay, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hoạt động hợp tác mở ra cơ hội kinh tế lớn, cùng với đó là thách thức đảm bảo chất lượng cho những mặt hàng được giao dịch trực tiếp và trên nền tảng giao dịch điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Là cơ quan phụ trách vấn đề xem xét, rà soát, sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, chúng tôi coi đây là việc rất quan trọng và cần có hướng giải quyết tốt nhất trong bối cảnh quản lý công tác thương mại điện tử cũng như quy trình hợp tác tham gia vào thị trường Hoa Kỳ hay châu Âu. Cùng với đó cần thường xuyên cập nhật để bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo tính minh bạch cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế”, TS. Hiệp nhấn mạnh.
TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.
Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình sửa đổi quy phạm pháp luật của Ủy ban TCĐLCL Quốc gia nói riêng và hệ thống quản lý chất lượng Việt Nam nói chung.
Đây cũng là cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tìm ra giải pháp tối ưu. “Chủ đề về thương mại điện tử và ghi nhãn điện tử, giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ ở Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, thương mại quốc tế”, TS. Hiệp nói.
Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Chia sẻ theo hình thức trực tuyến, ông Alexander Hoehn – Saric – Chủ tịch CPSC nhấn mạnh về tầm quan trọng của sản phẩm trực tuyến. Theo ông, nó cũng an toàn không kém gì sản phẩm đang bán trực tiếp, như vậy tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thế giới đang đổi thay là nhiệm vụ chủ chốt.
Ông Alexander Hoehn – Saric cho hay, hội thảo nhằm cập nhật các quy định mới nhất liên quan đến quản lý an toàn sản phẩm tiêu dùng bán trên sàn thương mại điện tử, quy định về ghi nhãn, nộp hồ sơ điện tử, chia sẻ thực hành tốt và kinh nghiệm thực tiễn của Hoa Kỳ và châu Âu, từ đó giúp cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về yêu cầu khi xuất khẩu sang các thị trường này.
Các diễn giả trình bày tại Hội thảo.
Hội thảo diễn ra với các nội dung chính như: Phát hiện và quản lý sản phẩm không an toàn trong thương mại điện tử; Thương mại điện tử và giám sát thị trường tại Liên minh châu Âu; Quy định thị trường của Việt Nam; Phản ứng với các xu hướng trong thương mại điện tử; Những yêu cầu của CPSC: Ghi nhãn, kiểm tra, chứng nhận và e-Filing; Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số và các sáng kiến khác của Liên minh châu Âu; Bài học rút ra để đảm bảo an toàn sản phẩm: Những ví dụ trong các ngành then chốt.
Tại phần nội dung đầu tiên về phát hiện và quản lý sản phẩm không an toàn trong thương mại điện tử, các diễn giả đã chia sẻ về tính an toàn của sản phẩm tiêu dùng lưu thông trên sàn thương mại điện tử; đồng thời thông tin về các khung pháp lý của CPSC và cách áp dụng cho sản phẩm được buôn bán trực tuyến. Ngoài ra, diễn giả cũng đề cập đến hoạt động thực thi của CPSC và cách nhà cung cấp hoặc người mua có thể đảm bảo rằng sản phẩm của họ sẽ được thông qua bởi giám sát thị trường của cơ quan chức năng Hoa Kỳ.
Nội dung thứ hai về thương mại điện tử và giám sát thị trường tại Liên minh châu Âu, ông Torben Rahbek – Chuyên gia cấp cao, SPEAC đã chia sẻ về an toàn của sản phẩm tiêu dùng được bán qua thương mại điện tử và cách nhà cung cấp hoặc người mua có thể đảm bảo sản phẩm của họ được thông qua bởi giám sát thị trường của cơ quan chức năng châu Âu.
Tại nội dung thứ ba, diễn giả đã cung cấp cái nhìn tổng quan về hoạt động kiểm tra, giám sát hàng hóa và sản phẩm trên thị trường của Việt Nam cũng như quy định về nhãn điện tử.
Tại nội dung thứ tư về phản ứng với xu hướng trong thương mại điện tử, các diễn giả đã cho thấy quan điểm từ nhân viên của CPSC, EC và ngành công nghiệp về những vấn đề an toàn tiêu dùng nói chung và thách thức trong việc ngăn chặn các sản phẩm không an toàn được bán trên các nền tảng thương mại điện nói riêng, cùng với đó là đề cập đến trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà cung cấp.
Phiên trao đổi thảo luận ý kiến giữa các diễn giả.
Tại nội dung thứ năm yêu cầu của CPSC về ghi nhãn, kiểm tra, chứng nhận và e-Filing, diễn giả cung cấp cái nhìn tổng quan về các yêu cầu chứng nhận và ghi nhãn phổ biến của CPSC cũng như cập nhật yêu cầu mới đối với chứng nhận điện tử. Sử dụng ví dụ từ các lĩnh vực dệt may, đồ chơi, đồ điện, pin nút và pin đồng xu, các sản phẩm khác. Đồng thời, chia sẻ thêm về yêu cầu quy định hoặc thông lệ tốt nhất để đảm bảo sản phẩm an toàn, tránh sự chậm trễ và các vấn đề khác tại các cảng nhập khẩu.
Tại nội dung thứ sáu về hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số và các sáng kiến của Liên minh châu Âu, diễn giả tập trung thông báo cho các nhà cung cấp về yêu cầu mới và mang lại cái nhìn tổng quan về yêu cầu của EU.
Với nội dung thứ bảy, diễn giả đã thảo luận chi tiết các đề xuất đối với chương trình tuân thủ an toàn sản phẩm nội bộ nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu khả năng sản phẩm không an toàn ra thị trường.
Hà My