Quy chuẩn về công trình tàu điện ngầm quy định gì?

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Hai 25, 2022 | 15:39 - Lượt xem: 683

Tàu điện ngầm đang được xây dựng ở các thành phố lớn và kỳ vọng sẽ mang lại luồng gió mới cho giao thông Việt Nam. Để công trình đảm bảo an toàn, Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN 08:2018/BXD về Công trình tàu điện ngầm.

QCVN 08:2018/BXD về công trình tàu điện ngầm quy định yêu cầu kỹ thuật chủ yếu về an toàn cháy, an toàn vệ sinh, môi trường và các yêu cầu liên quan khác áp dụng trong xây dựng mới, cải tạo, quản lý và khai thác sử dụng công trình tàu điện ngầm. Quy chuẩn này không quy định yêu cầu kỹ thuật liên quan đến quy hoạch công trình tàu điện ngầm, tổ chức vận hành khai thác và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật của tàu điện ngầm.

QCVN 08:2018/BXD yêu cầu kỹ thuật đối với vị trí tuyến đường và nhà ga tàu điện ngầm; nhà ga; tuyến hầm; hạ tầng chống ngập; chống sự xâm nhập của nước mặt, nước ngầm và các chất lỏng khác; phòng cháy, chữa cháy…

Đáng chú ý, trong Quy chuẩn cũng quy định điều kiện đất nền phải được nghiên cứu trong trạng thái giới hạn dự kiến trước trong phạm vi ảnh hưởng tổng thể từ tương tác giữa quá trình thcông và khai thác tuyến tàu điện ngầm với môi trường địa chất. Độ sâu khảo sát phải sâu hơn đáy hầm không nhỏ hơn 10m và bề rộng phạm vi khảo sát không nhỏ hơn 4 lần chiều sâu đáy hầm tính từ mép hầm.

Kết cấu công trình tàu điện ngầm phải tính đến tác động của tải trọng, các yếu tố tự nhiên theo QCVN 02:2009/BXD và tương tác của công trình với môi trường địa chất xung quanh.

Vật liệu xây dựng, kết cấu và phương pháp thi công phải đảm bảo tuổi thọ của vỏ hầm. Vỏ hầm phải kín và đảm bảo các yêu cầu về cường độ, độ bền, an toàn, ổn định và đảm bảo khả năng khai thác bình thường dưới những tác động khác nhau của môi trường xung quanh.

Trong Quy chuẩn yêu cầu chất lượng xây dựng công trình tàu điện ngầm phải được thực hiện kiểm tra theo quy định hiện hành. Trong quá trình khai thác sử dụng, công trình phải được quan trắc, theo dõi và đánh giá nhằm phát hiện nguy cơ mất an toàn cho công trình và các công trình lân cận.

Đối với hệ thống thông gió, điều hòa không khí phải đảm bảo chất lượng không khí theo QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 06:2009/BTNMT và có các giải pháp xử lý phù hợp như tái sinh không khí hoặc thông gió theo chu trình kín cũng như giải pháp áp dụng kỹ thuật-công nghệ cho mục đích này. Việc thẩm định dự án, hồ sơ thiết kế công trình tàu điện ngầm; công tác kiểm tra, nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng; công tác bảo trì phải căn cứ vào các quy định của quy chuẩn này và được thực hiện theo quy định hiện hành về đầu tư xây dựng.

Doãn Trung