Quy chuẩn sản phẩm dinh dưỡng từ ngũ cốc cho trẻ em quy định như thế nào?
Thứ Tư, Tháng Năm 4, 2022 | 14:32
Ngũ cốc cho trẻ là món ăn rất phù hợp khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Kể từ tháng thứ 5 – 6 trở đi, bên cạnh sữa mẹ thì ngũ cốc cũng là loại thực phẩm rất cần thiết tuy nhiên lựa chọn sản phẩm như thế nào để an toàn và phù hợp là hết sức quan trọng.
Ngũ cốc cho trẻ là một trong những loại thực phẩm rất cần thiết. Trong độ tuổi ăn dặm, ngũ cốc là món ăn dễ tiêu, dễ nuốt, giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ loại ngũ cốc nào cũng phù hợp với mọi lứa tuổi của trẻ. Bộ Y tế đã ban hành QCVN 11-4:2012/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm dinh dưỡng chế biến từ ngũ cốc cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi.
Quy chuẩn QCVN 11-4:2012/BYT quy định các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm và yêu cầu đối với việc quản lý sản phẩm dinh dưỡng chế biến từ ngũ cốc cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Quá trình xử lý và sấy khô phải được thực hiện để giảm thiểu những tổn thất về giá trị dinh dưỡng, đặc biệt về chất lượng protein.
Trong QCVN 11-4:2012/BYT Bộ Y tế yêu cầu độ ẩm của sản phẩm phải tuân thủ GMP đối với từng nhóm sản phẩm riêng. Độ ẩm phải ở mức các vi sinh vật không thể phát triển, đồng thời đảm bảo giảm thiểu mức tổn thất giá trị dinh dưỡng của sản phẩm.
Chỉ số hóa học của protein trong nguyên liệu phải đạt tối thiểu 80% so với casein chuẩn hoặc chỉ số PER của protein trong hỗn hợp phải đạt tối thiểu 70% so với casein chuẩn. Chỉ được bổ sung acid amin dạng đồng phân L với tỷ lệ phù hợp vào sản phẩm để cải thiện giá trị dinh dưỡng của hỗn hợp protein.
Các dạng vitamin bổ sung vào sản phẩm dinh dưỡng chế biến từ ngũ cốc dành cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế thì thực hiện theo hướng dẫn của CODEX tại CAC/GL 10-1979, Rev.1-2008 Advisory List of Mineral Salts and Vitamin compounds for Use in Foods for Infants and Children (Danh mục khuyến cáo về các hợp chất vitamin và muối khoáng sử dụng trong thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ).
Quy chuẩn yêu cầu nếu sản phẩm chứa mật ong hoặc siro từ nhựa cây phong thì quá trình chế biến cần phải bảo đảm diệt được các bào tử Clostridium botulinum. Bộ Y tế cũng quy định chỉ được sử dụng vi sinh vật sinh L(+) acid lactic vào các sản phẩm dinh dưỡng chế biến từ ngũ cốc cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi.
Theo QCVN 11-4:2012/BYT khi chế biến theo hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn, các thực phẩm chế biến từ ngũ cốc phải phù hợp cho việc ăn bằng thìa cho đối tượng trẻ thích hợp (có độ tuổi từ 6 – 36 tháng tuổi). Bánh mì giòn (rusk) và bánh quy (biscuit) có thể được dùng ở dạng khô để khuyến khích trẻ nhai hoặc có thể được sử dụng dưới dạng lỏng bằng cách trộn với nước hoặc chất lỏng thích hợp khác, có độ sệt tương tự như đối với ngũ cốc dạng khô.
Các chất phụ gia thực phẩm sử dụng trong sản phẩm dinh dưỡng từ ngũ cốc cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Sản phẩm phải được chế biến theo GMP để không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (đã được sử dụng trong sản xuất, bảo quản hoặc xử lý nguyên liệu thô/thành phần thực phẩm). Trong trường hợp vì lí do kỹ thuật vẫn còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì hàm lượng của chúng phải được giảm tối đa có thể đáp ứng theo quy định hiện hành.
Bộ Y tế quy định việc ghi nhãn các sản phẩm sản phẩm dinh dưỡng chế biến từ ngũ cốc cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi phải theo đúng quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định của pháp luật.
Sản phẩm dinh dưỡng chế biến từ ngũ cốc cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi trước khi nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại Quy chuẩn này.
Doãn Trung