Quatest 3 tổng kết Chương trình 712: Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Mười Hai 14, 2020 | 16:11 - Lượt xem: 1341
Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712) của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 21/5/2010. Đến nay Chương trình đã được tròn 10 năm. Đồng hành cùng chặng đường trường kỳ này, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giao nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng Chương trình 712 (Hệ thống LEAN), nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đến nay Chương trình đã kết thúc.
Quatest 3 được giao những nhiệm vụ gì?
Tham gia Chương trình 712, QUATEST 3 được Tổng cục giao các nhiệm vụ thuộc Chương trình năng suất chất lượng như: Phổ biến áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng giai đoạn 2012 – 2013; Nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý rủi ro (ISO 31000) và thẻ điểm cân bằng (BSC); Xây dựng mô hình điểm áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001), Hệ thống quản lý an toàn thông tin (ISO 27000), hệ thống quản lý tinh gọn Lean, Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể TPM và chỉ số hoạt động chinh KPIs; Áp dụng điểm mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại tập đoàn, tổng công ty; Nhân rộng áp dụng công cụ: Quản lý tinh gọn (LEAN), Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM) và chỉ số đanh giá hoạt động chính (KPIs) vào doanh nghiệp Việt Nam;
Đào tạo chuyên gia triển khai các công cụ: Quản lý tinh gọn (LEAN), Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM), Chỉ số hoạt động chính (KPIs), Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA); Xây dựng mô hình điểm về áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho doanh nghiệp lớn thuộc ngành chế biến thực phẩm; Nhân rộng áp dụng Phương pháp Quản lý tinh gọn (LEAN) vào doanh nghiệp Việt Nam;…
Nhìn lại một chặng đường
Với những nhiệm vụ được Tổng cục giao như trên, các chuyên gia hỗ trợ triển khai các công cụ nâng cao năng suất chất lượng (LEAN) cho doanh nghiệp (được Tổng cục lựa chọn) đã bắt tay vào công việc ngay từ những ngày đầu của dự án. Tính đến nay, QUATEST 3 đã tư vấn cho 137 doanh nghiệp và triển khai tư vấn áp dụng LEAN đến cho 500 chuyên gia của các doanh nghiệp. Nhìn lại kết quả triển khai Chương trình 712 lãnh đạo các doanh nghiệp cũng như các chuyên gia triển khai đều nhận thấy, Chương trình đã đem lại ý nghĩa thiết thực đối với doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả.
Thông qua chương trình, các doanh nghiệp đã cải tiến được năng suất chất lượng đáng kể. Qua đây còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm các lãng phí trong sản xuất để giúp doanh nghiệp. Đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Điển hình như Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai nhờ đó đã tạo được không gian làm việc ngăn nắp, thuận tiện hơn cho công nhân thao tác công việc và góp phần cải thiện hình ảnh của công ty trước khách hàng. Giảm được một công đoạn lao động nặng nhọc (đóng bao và xếp lên pallet hạt nhựa thành phẩm); Giảm 2 công đoạn xe nâng vận chuyển (giảm 1.380 m vận chuyển xe nâng) và giúp tăng sản lượng thêm 1.5%/ngày.
Thấy được hiệu quả rõ rệt của hệ thống LEAN, với sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia QUATEST 3, Ban lãnh đạo Công ty đã quyết định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng việc áp dụng các công cụ năng suất đã chọn sang các khu vực khác của nhà máy tại Đồng Nai và xem xét chọn lọc áp dụng mở rộng thêm những công cụ khác của LEAN.
Hay kết quả cải tiến tại Công ty TNHH In nhãn bao bì Hoàng Hà: Mỗi lần chuyển đổi sản phẩm, lượng thời gian tiết kiệm được từ 6.5 đến 39 phút cho mỗi máy in Gallus. Hiện tại, công ty có 3 máy hoạt động liên tục. Tổng thời gian chuyển đổi giảm được từ 3×6.5 đến 3×39 phút. Giá trị (đơn giá) mỗi giờ hoạt động của máy mà công ty tính cho khách hàng là 1,2 triệu đồng.
Sau khi thực hiện một số biện pháp cải tiến kỹ thuật, công ty đã tiêu chuẩn hóa quy trình chuyển đổi trong đó sắp xếp lại các bước thực hiện và phân công lại trách nhiệm thực hiện để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giúp giảm thiểu lãng phí về thời gian…
Sau thời gian thí điểm các công cụ trên của LEAN tại dây chuyền số sản xuất, khối văn phòng và kho bao bì vật tư của Xí nghiệp An Giang đã nhận được những kết quả tích cực: nhiều sự cố nhỏ từ máy móc thiết bị đã được khắc phục, thiết bị đã được trả lại tình trạng “như mới”; Thiết bị luôn được chăm sóc nhờ sự phân công trách nhiệm rõ ràng: Làm gì? Ai làm? Khi nào làm? Làm như thế nào? Ai kiểm tra việc thực hiện?;
Công nhân vận hành đã ý thức hơn về trách nhiệm của mình với máy móc thiết bị; Sự phối hợp trong chăm sóc thiết bị giữa công nhân vận hành & công nhân bảo trì nhịp nhàng hơn. Đặc biệt là, sự hiểu biết và kỹ năng xử lý sự cố nhỏ của công nhân vận hành được nâng cao…
Còn nhiều kết quả rất đáng được ghi nhận ở các Nhà máy, Xí nghiệp của các Công ty như: Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai, Thủy sản An Giang, An Thịnh Điền, Ưu Việt, Lộc Trời… sau khi áp dụng công cụ năng suất chất lượng (LEAN) đều cho thấy sự thay đổi tích cực, năng suất lao động của công nhân hiệu quả hơn, nhà xưởng gọn gàng, sạch đẹp hơn, cắt giảm được các chi phí lãng phí, đơn hàng đúng tiến độ, giảm hao hụt nguyên liệu… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng giá trị ước tính tiết kiệm được cho các công ty mà chuyên gia QUATEST 3 đã triển khai từ khoảng 19 tới 24 tỷ đồng/năm.
Thấy rõ được kết quả ban đầu từ việc triển khai áp dụng LEAN, và có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên gia tư vấn QUATEST 3 đã theo sát, hướng dẫn các công ty thực hiện các dự án cải tiến rất tận tình. Hầu hết các công ty đã được QUATEST 3 tư vấn hỗ trợ đều có quyết định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng việc áp dụng các công cụ năng suất ở các khu vực khác, mở rộng hơn ra các nhà máy, xí nghiệp, chi nhánh của các Tổng công ty. Đồng thời, Ban lãnh đạo các công ty cũng xem xét chọn lọc áp dụng mở rộng thêm những công cụ khác của LEAN. Đặc biệt, hướng tới giảm hơn nữa thời gian thực hiện sản phẩm và thời gian giao hàng.
Trong tháng 12/2020, QUATEST 3 đã tổ chức 4 Hội thảo “chia sẻ kinh nghiệm về quản lý chất lượng trong sản xuất và dịch vụ, phương pháp quản lý tinh gọn”; “Phổ biến kết quả áp dụng Phương pháp quản lý tinh gọn Lean” tại Cần Thơ và Quảng Ngãi. Tại mỗi Hội thảo đã thu hút trên 50 doanh nghiệp tham gia để chia sẻ kinh nghiệm áp dụng LEAN và kết quả đạt được tại các doanh nghiệp. Hội thảo được đánh giá là thiết thực và bổ ích cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai công cụ nâng cao năng suất chất lượng (LEAN).
Bài học kinh nghiệm rút ra từ 712
Trong quá trình tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng LEAN, chuyên gia của QUATEST 3 cũng ghi nhận không ít khó khăn gặp phải từ phía doanh nghiệp. Đó là, do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đa dạng, luôn phải chạy cho kịp tiến độ của đơn hàng nên hầu như các bộ phận trong công ty tập trung thời gian chủ yếu vào sản xuất. Họ không có thời gian nhiều để làm việc cùng đơn vị tư vấn đó là trở ngại đối với đơn vị triển khai hệ thống LEAN. Mặt khác, nguồn nhân lực của doanh nghiệp thay đổi trong quá trình triển khai đã làm gián đoạn dự án. Đội ngũ công nhân viên không ổn định, khó khăn trong việc đào tạo, triển khai và duy trì áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng…
Để triển khai LEAN hiệu quả hơn, các chuyên gia của QUATEST 3 lưu ý các doanh nghiệp áp dụng chương trình 712: Việc thực hiện xây dựng áp dụng LEAN cho một tổ chức thành công hay thất bại phụ thuộc vào sự cam kết của lãnh đạo ở các cấp, sự tham gia nhiệt tình của toàn thể công nhân, viên trong công ty. Vai trò của người điều phối dự án trong công ty rất quan trọng, cần lựa chọn nhân sự phù hợp cho vị trí này. Lựa chọn đúng nhân sự này sẽ đóng góp phần lớn trong việc triển khai, theo dõi, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh giúp dự án đạt tiến độ và chất lượng;
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo cần có cơ chế chia sẻ lợi ích thành quả áp dụng cho các thành phần tham gia vào việc xây dựng và áp dụng hệ thống LEAN để tạo động lực phát triển trong Công ty. Ban lãnh đạo có thể ra quyết định, tích hợp phần hiệu quả thực hiện hệ thống LEAN này vào hệ thống lương của Công ty, đây là một trong những cơ chế hiệu quả nhất mà các Công ty khác đã từng ứng dụng.
Ý kiến của chuyên gia Quatest 3 hỗ trợ doanh nghiệp triển khai Chương trình “Nâng cao năng suất chất lượng” quốc gia
“Doanh nghiệp cần thêm lực lượng kế thừa để duy trì và cải tiến liên tục tại Công ty sau khi kết thúc Chương trình “nâng cao năng suất chất lượng” quốc gia” – ông lê Phước Thọ. “LEAN mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Để thực hiện LEAN thành công, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo. Cần có cơ chế khen thưởng thích hợp để duy trì việc áp dụng LEAN từ đó hình thành văn hóa của doanh nghiệp”, ông Lê Minh Tuấn. “LEAN mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp khi có sự quyết tâm thực hiện và giám sát chặt chẽ từ Lãnh đạo. Lãnh đạo doanh nghiệp cần chọn đội ngũ triển khai thực hiện đủ về số lượng và nắm vững về chuyên môn. Lãnh đạo cần thuyết phục và tạo môi trường làm việc để các nhân viên triển khai áp dụng LEAN, có chế độ khen thưởng thích hợp khi kết quả tốt. Doanh nghiệp nên chọn công cụ trong LEAN phù hợp với năng lực thực tế để triển khai. Doanh nghiệp cần đặt ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện”, ông Nguyễn Việt Dũng. “LEAN góp phần thay đổi nhân thức người lao động về các lãng phí thông qua công cụ 5S, Kaizen thay đổi nhận thức người lao động cách thức làm việc theo nhóm. Yếu tố thành công là cần sự cam kết tham gia và tạo động lực để khuyến khích người lao động”, ông Lê Công Để. |
Thanh Hải